Soạn bài Tác gia Nguyễn Trãi – Kết nối tri thức lớp 10 

Soạn bài Tác gia Nguyễn Trãi (sách Ngữ văn lớp 10 – NXB Kết nối tri thức) cho thấy ông là người có xuất thân trong gia đình có truyền thống yêu nước, văn hóa và văn học. Những yếu tố này tạo nên tư tưởng chính trị, những tác phẩm lớn của nhà thơ, nhà văn lớn.

Table of Contents

Trước khi đọc văn bản Tác gia Nguyễn Trãi

Trước khi đi vào khai thác Tác gia Nguyễn trãi, học sinh tìm hiểu về những tác giả văn học trung đại nước ta theo hướng dẫn tại The POET Magazne. Họ đã có công lớn trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc.

tác gia nguyễn trãi
Soạn bài Tác gia Nguyễn Trãi trong phần trước khi đọc văn bản

Câu 1: Bạn hãy kể tên một số tác giả văn học trung đại Việt Nam có đóng góp quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Đó là các tác giả:

– Lý Thái Tông: Tên thực là Lý Phật Mã, sau đổi là Lý Đức Chính, con Thái Tổ Lý Công Uẩn, nối ngôi 27 năm, miếu hiệu là Thái Tông. Ông là vị hoàng đế sáng suốt, tỉnh thông Phật học. Tác phẩm còn lại: Hình thư (sử, 3 quyển), một bài kệ chép trong Thiền uyển tập anh ngữ lục.

– Trần Nhân Tông có: Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Tăng già toái sự, Thạch thất mị ngữ, Trần Nhân Tông thi tập. Nói đến Trần Nhân Tông, trước hết là nói đến người anh hùng cứu nước. Trong hai lần kháng chiến chống Nguyên – Mông (lần thứ hai và thứ ba), Nhân Tông đã trở thành ngọn cờ tiêu biểu “cố kết nhân tâm”, lãnh đạo quân dân vượt qua bao khó khăn gian khổ, đưa cuộc chiến đấu cứu nước tới thắng lợi huy hoàng. Qua hai cuộc kháng chiến, Trần Nhân Tông tỏ rõ ông vừa là nhà chiến lược tài giỏi, vừa là vị tướng dũng cảm ngoài chiến trường.

– Đặng Dung, là con trai Quốc công Đặng Tất, một nhân vật tích cực chiến đấu chống giặc Minh.

– Hưng Đạo Đại Vương: Tên thật là Trần Quốc Tuấn, danh tướng trong lịch sử Việt Nam, nhà văn chính luận với áng Hịch tướng sĩ bất hủ, quê ở phủ Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Định). Ông cũng là tác giả bộ Binh thư yếu lược và “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” (đã thất lạc).

– Ngô Thì Sĩ: Nhà thơ, nhà sử học, tự Thế Lộc, hiệu Ngọ Phong, quê ở huyện Thanh Oai nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội. Ông là cha của Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Ngô Thì Trí, Ngô Thì Hương đều là những danh sĩ, nhà thơ, nhà văn. Tác phẩm: Việt sử tiêu án; Anh ngôn thi tập; Quan lan thi tập; Thanh động tập; Khuê ai lục; Cách tệ sách…

– Chu Văn An: Nhà văn, nhà giáo dục Việt Nam thời Trần, nổi tiếng cương trực, tiết tháo, thể hiện rõ nhất trong “Thất trảm sớ”. Các tác phẩm khác: Tiều ẩn thi tập; Tiều ẩn quốc ngữ thi tập; Tứ thư thuyết ước; Giang đình tác; Nguyệt tịch bộ Tiên Du sơn tùng kính; Thử vận tặng Thủy Vân đạo nhân; Xuân đán…

– Phạm Ngũ Lão: Nhà thơ, danh tướng thời Trần, văn võ toàn tài, quê huyện Đường Hào (sau gọi Mỹ Hào), nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Tác phẩm có Thuật hoài (Tỏ lòng, chép trong Toàn Việt thi lục); Khóc Hưng Đạo (chép trong Thần tịch xã Phù Ủng).

Hoàng Diệu: Nhà thơ, nhà chí sĩ yêu nước, tự Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trãi, quê Diên Phước, Quảng Nam; đậu Phó bảng năm 1853, được bổ làm Tri huyện Tuy Phước, Bình Định, sau được thăng Tri phủ Lạng Giang (Bắc Giang), Án sát Nam Định, rồi Bố chính Bắc Ninh. Tác phẩm chính: Dị biểu (tờ biểu để lại trước lúc chết) còn gọi là Trần tình biểu.

– Nguyễn Đình Chiểu: Nhà thơ, nhà văn hóa, một nhân cách điển hình yêu nước thương dân. Ông quê Tân Bình, Gia Định, nay là Thành phố Hồ Chí Minh; đỗ Tú tài, mở trường dạy học và bốc thuốc. Tác phẩm chính: Lục Vân Tiên (truyện thơ); Dương Từ – Hà Mậu (truyện thơ); Chạy Tây (1859); Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (văn tế, 1861); Ngư tiều y thuật vấn đáp (truyện thơ); Mười hai bài thơ và bài Văn tế Trương Định; Mười bài thơ điếu Phan Tòng, Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh; ..

– Phan Chu Trinh: Nhà văn, nhà chí sĩ cách mạng, tự Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, quê Tiên Phước, Quảng Nam. Ông đỗ Phó bảng, được bổ làm thừa biện bộ Lễ, sau từ quan để hoạt động cách mạng, chủ trương đấu tranh ôn hoà; bị bắt và đày ra Côn Đảo rồi đưa sang Pháp; năm 1925 về nước hoạt động và mất ở Sài Gòn. Tác phẩm chính: Đầu Pháp chính phủ thư (bản điều trần, 1906)); Tinh quốc hồn ca (1907 – 1922); Giai nhân kỳ ngộ diễn ca (1912-1913) Santé thi tập (thơ, 1925); Tây Hồ thi tập (thập thơ); …

– Nguyễn Trãi: Nhà văn, nhà chính trị, nhà tư tưởng kiệt xuất, hiệu Ức Trai, quê huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang, nay thuộc tỉnh Hải Dương. Tác phẩm chính: Quân trung từ mệnh tập; Bình Ngô đại cáo; Ức Trai thi tập; Dư địa chí; Chi Linh sơn phủ; Quốc âm thi tập;… Ức Trai thi tập (1480): một trong các tập thơ chữ Hán đặc sắc của Nguyễn Trãi, được coi là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật thi ca Việt Nam, là mẫu mực của thể thơ thiên nhiên phương Đông. Tập thơ được sưu tầm, gồm 105 bài, sau khi Nguyễn Trãi được minh oan trong vụ án Lệ Chi viên.

– Mạc Đĩnh Chi: Nhà văn, nhà thơ, danh sĩ, tự là Tiết Phu; quê huyện Bình Hà, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc Hải Dương). Ông đỗ Trạng nguyên, làm quan đến chức Nhập nội hành khiển, Thượng thư tả bộc xạ kiêm Trung thư, hai lần đi sứ Trung Quốc, được tôn làm “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Tác phẩm chính: Ngọc tinh liên; Giao tử phú; Quả bành Trạch phỏng Đào Tiềm Cựu cư,…

– Trương Hán Siêu: Danh sĩ thời Trần, tên tự là Thăng Phủ, hiệu Đôn Tẩu, quê làng Phúc Am, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (nay là phường Phúc Thành  phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), là môn khách của Trần Quốc Tuấn,

tính tình cương nghị, học vấn uyên thâm. Tác phẩm của ông hiện chỉ còn bài Bạch Đằng giang phú, được đánh giá là một áng thiên cổ hùng văn trong lịch sử văn học yêu nước Việt Nam, một áng văn chứa chan niềm tự hào dân tộc, có ý nghĩa tổng kết lại chiến thắng Bạch Đằng thời bấy giờ.

– Nguyễn Khuyến: Tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự Miễu Chi, sinh tại quê ngoại làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam nay là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quê nội của ông ở làng Vị Hạ, xã Yên Đổ nay là xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Các tác phẩm gồm có Quế Sơn thì tập, Yên Đỗ thì tập, Bách Liêu thi văn tập, Cẩm Ngữ,… cùng nhiều bài ca, hát ả đào, văn tế, câu đối truyền miệng.

– Phan Huy Chú: Là nhà thơ, nhà sử học Việt Nam. Công trình nổi tiếng nhất của ông là Lịch triều hiến chương loại chí gồm 49 quyển chia làm 10 chí như Dư địa chỉ, Hình luật chí, Văn học chí…, có thể coi như bộ Bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam. Ngoài ra, ông còn có Hoàng Việt địa dư chí và các tập thơ văn là Hoa thiều ngâm lục; Dương trình kí kiến.

Câu 2: Hãy chia sẻ vài thông tin về tác giả mà bạn ngưỡng mộ

Em ngưỡng mộ cụ Lê Quý Đôn. Những thông tin về cụ như sau:

Lê Quý Đôn: Là nhà văn, nhà khảo cứu thời kì trung đại Việt Nam, tự Duẫn Hậu, tên thuở nhỏ là Lê Danh Phương, hiệu Quế Đường; là quan thời Lê trung hưng, quê ở làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam; nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là con trai cả của ông Lê Phú Thứ (sau đổi là Lê Trọng Thứ), đỗ Tiến sĩ năm Bảo Thái thứ 2 (Giáp Thìn, 1721), và làm quan trải đến chức Hình bộ Thượng thư, tước Nghĩa Phái hầu. Ông là người đã biên tập, trước thuật rất nhiều sách, đến nay đã thất lạc khá nhiều. Tác phẩm chính: Dịch kinh phu thuyết (Lời bàn nông nổi về Kinh Dịch), Thư kinh diễn nghĩa (Giảng nghĩa Kinh Thư), Quần thư khảo biện (Xét bàn các sách), Thánh mô hiền phạm lục (Chép về mẫu mực của các bậc thánh hiền), Vân Đài loại ngữ (Lời nói, chia ra từng loại, ở nơi đọc sách), Toàn Việt thi lục (Chép đủ thơ nước Việt), Quế Đường thi tập (Tập thơ của Quế Đường),…

Soạn bài Tác gia Nguyễn Trãi trong khi đọc

Trong khi đọc văn bản, học sinh tìm hiểu về vai trò của Nguyễn Trãi đối với cuộc kháng chiến chống giặc Minh. Trả lời các câu hỏi gợi mở từ nội dung văn bản, có thể thấy được tư tưởng nhân nghĩa, tình yêu thiên nhiên và nỗi niềm trăn trở về thế sự của Nguyễn Trãi.

tác gia nguyễn trãi soạn
Soạn bài Tác gia Nguyễn Trãi trong khi đọc

Câu 1: Vai trò của Nguyễn Trãi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh.

Khoảng năm 1423, Nguyễn Trãi tìm vào Lam Sơn giúp Lê Lợi, dâng Bình Ngô sách. Ông được Lê Lợi tin dùng và có công đóng góp đặc biệt quan trọng trong công cuộc kháng Minh. (Sau chiến thắng, ông được Hoàng đế Lê Thái Tổ giao viết Bình Ngô đại cáo).

Câu 2: Nội dung cơ bản của tư tưởng nhân nghĩa trong thơ Nguyễn Trãi.

Tư tưởng nhân nghĩa trong thơ Nguyễn Trãi có thể đúc kết hàm súc nhất qua 2 dòng ở Bình Ngô đại cáo sau đây:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.

Câu 3: Biểu hiện của tình yêu thiên nhiên và nỗi buồn thế sự trong thơ Nguyễn Trãi.

Tình yêu thiên nhiên qua những biểu hiện sau:

– Thế giới thiên nhiên đa dạng, vừa mĩ lệ vừa bình dị, gần gũi.

– Tâm hồn rộng mở, tinh tế, lãng mạn – nâng niu từng vẻ đẹp, từng khoảnh khắc, giao hòa cùng thiên nhiên. (xem sgk, bài “Ngôn chí, bài 20 – Quốc âm thi tập).

Nỗi niềm thế sự qua những biểu hiện sau:

– Trĩu nặng suy tư trước thế sự đen bạc

– Chiêm nghiệm buồn về thế thái với những cay đắng, thất vọng, đau đớn trước một thực tạo hỗn độn, bất công, ngang trái.

– Quan niệm sống, triết lý sống thanh cao, cứng cỏi, kiêu hãnh.

Câu 4: Đóng góp quan trọng của Nguyễn Trãi ở từng thể loại: Văn chính luận, thơ chữ hán, chữ Nôm.

– Văn chính luận của ông đạt đến trình độ mẫu mực và sắc sảo, thưởng mở đầu bằng triết lý nhân nghĩa. Đồng thời, bám sát đối tượng và tình hình thời sự, chiến sự. (Lại thư trả lời Phương Chính; Lại thư cho Vương Thông.)

– Thơ chữ hán của Nguyễn Trãi, được sáng tác bằng các thể thơ Đường luật, đạt đến sự nhuần nhuyễn, điêu luyện, ngôn ngữ cô đúc, tả cảnh, tả tình tinh tế tài hoa, nhưng không cầu kỳ, khuôn thước.

– Thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi được xem là đỉnh cao của thơ quốc âm (tiếng Việt).

+ Ngôn ngữ Nôm trong thơ ông đậm đà tính dân tộc.

+ Ông sáng tạo thể thơ riêng đưa câu lục ngôn (6 tiếng) xen vào bài thơ thất ngôn ở các vị trí đa dạng, linh hoạt.

Câu 5: Vị trí Nguyễn Trãi trong nền văn học trung đại Việt Nam.

Ông là tác gia có đóng góp đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng nền văn học Đại Việt sau thời gian nước ta bị quân xâm lược Minh đô hộ và thi hành chính sách hủy diệt văn hóa.

Trả lời câu hỏi sau văn bản Tác gia Nguyễn Trãi

Sau khi đọc văn bản Tác gia Nguyễn Trãi, học sinh dùng thông tin trong văn bản để cảm nhận về cuộc đời, con người nhà văn, nhà thơ này. Ở phần này, bạn cũng có thể tìm hiểu những giá trị đặc sắc tạo nên tâm hồn tác giả qua từng tác phẩm.

tác gia nguyễn trãi soạn văn
Soạn bài Tác gia Nguyễn Trãi sau khi đọc

Câu 1: Dựa vào những thông tin trong văn bản, hãy nêu ấn tượng sâu sắc nhất của bạn về cuộc đời và con người Nguyễn Trãi.

Ấn tượng sâu sắc nhất về cuộc đời và con người Nguyễn Trãi:

  1. a) Về cuộc đời

– Năm 1400, Nguyễn Trãi đỗ đạt, làm quan dưới triều Hồ. Năm 1423, ông gia nhập Lam Sơn, dâng “Bình Ngô sách: giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh. Sau đó làm quan dưới triều Lê.

– Năm 1437, Nguyễn Trãi xin về ở ẩn tại Côn Sơn, đến năm 1440, vua Lê Thái Tông mời ông ra làm quan,

– Cuối cùng ông bị gian thần vu oan tội giết vua, chịu án “tru di tam tộc”.

  1. b) Về con người

– Nguyễn Trãi là một con người giàu tư tưởng “ưu dân ái quốc”.

– Ông còn là một con người yêu thiên nhiên và tâm hồn tinh tế, sâu sắc.

Câu 2: Điều gì đã tạo nên giá trị đặc sắc trong tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi?

Điều tạo nên giá trị đặc sắc trong tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi chính là sự tiếp thu một cách chọn lọc, sáng tạo tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo. Theo ông, nhân nghĩa trước hết phải là yêu nước, thương dân, trọng dân, biết ơn dân; rồi sau đó mới đến trung quân, trung thành với vua.

Câu 3: Nêu cảm nhận của bạn bè về tâm hồn Nguyễn Trãi qua những bài thơ viết về thiên nhiên.

Tâm hồn Nguyễn Trãi qua những bài thơ viết về thiên thiênnhieen:

– Nguyễn Trãi là một người có tâm hồn tinh tế, rộng mở, lãng mạn với những vẻ đẹp của thiên nhiên, yêu thiên nhiên sâu sắc.

– Thiên nhiên là nguồn cảm hứng lớn trong thơ văn của ông, được thể hiện đa dạng, vừa gần gũi tráng lệ.

Mở rộng: cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bức tranh thiên nhiên ở bài thơ “Cảnh ngày hè”.

Nguyễn Trãi là một nhà quân sự, nhà chính trị, anh hùng dân tộc, nhà văn, nhà thơ lỗi lạc của dân tộc. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Nguyễn Trãi cũng hướng về lợi ích của nhân dân, của đất nước. Ông cũng là một người có lòng yêu thiên nhiên tha thiết. Trong khoảng thời gian bị nghi kị phải lui về ở ẩn ở Côn Sơn, ông dường như đắm chìm, vui vầy với thiên nhiên cây cỏ. Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi qua bài thơ “Cảnh ngày hè” ta sẽ thấy rõ điều đó.

Trong sự nghiệp văn chương, Nguyễn Trãi để lại cho nền văn học Việt Nam di sản vô giá. Nếu với “Bình Ngô đại cáo”, ông thể hiện sự đanh thép trong bản tuyên ngôn độc lập thứ hai (sau “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt) hướng đến nhân dân, dân tộc; thì ở “Cảnh ngày hè” Nguyễn Trãi lại hiện lên với vẻ đẹp tâm hồn qua tình yêu dành cho cảnh sắc thiên nhiên.

Bài thơ “Cảnh ngày hè” như một bức tranh thiên nhiên sống động được Nguyễn Trãi khắc họa bằng ngôn từ, với đầy đủ hương thơm, sắc màu, âm thanh Nhưng ẩn sâu cái bức tranh ấy là tâm hồn đẹp đẽ của người thi nhân giữa cuộc sống thôn quê bình dị.

Tình yêu thiên nhiên của Nguyễn Trãi thể hiện ở ngay đầu bài thơ với tư thế của nhân vật trữ tình trong câu thơ:

“Rồi hóng mát thuở ngày trường”

Câu thơ có một nhịp thơ thật lạ lùng: 1/5. Nhưng chính nhịp thơ này lại mang đến cảm giác một ngày thư thái, rỗi rãi. Người thi nhân lúc này dù ngồi trước hiện nhà hóng mát, dù chìm đắm vào thiên nhiên cũng không thể quên hết việc đời. Nên cảm xúc của nhà thơ thực sự không phải thanh thản, nhẹ nhõm gì. Điều này thể hiện ở từ “ngày trường”, nghĩa là một ngày rất dài, gợi cho thấy sự buồn chán, vô vị.

Hầu hết các nhà thơ thường được trao nhiều cảm hứng bởi mùa thu xao xuyến hay mùa xuân tươi mới, nhưng với Nguyễn Trãi thì lại là mùa hè. Vốn là một người yêu thiên nhiên tha thiết, hồn thơ lại khoáng đạt và cảm xúc tinh tế, Nguyễn Trãi đã vẽ nên trước mắt người đọc một bức tranh mùa hạ tuyệt đẹp với đủ sắc hương:

“Hòe lục đùn đùn tán rợp trương

Thạch lựu hiên còn phun thức đó,

 Hồng liên trì đã tịn mùi hương”.

Nhắc đến mùa hè, thì cây hòe là một trong những hình ảnh rất đặc trưng. Những tán lá hòe “đùn đùn” trải rộng, che mát một khoảng sân. Từ láy “đùn đùn” mang một sức gợi hình mạnh mẽ, người đọc như thấy nhựa sống của cây đang căng tràn trong từng cành lá. Còn bên hiên nhà, hoa lựu đỏ rực và tỏa hương thơm. Cái màu đỏ của hoa lựu khiến không gian dường như có sự chuyển động, có sự bừng sáng hòa cùng đám lá xanh của cây hòe. Như ta cũng từng bắt gặp hình ảnh hoa lựu rực rỡ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Dưới trăng quyên đã gọi hè/Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”.

Sắc đỏ của hoa lựu được nhà thơ quan sát và đưa vào không chỉ bởi nó là đặc trưng của mùa hè, mà dường như còn muốn làm nổi bật lên sức sống của mùa hè. Cùng với hoa lựu, sen dưới ao nhà cũng đang tận hưởng mùa hè bằng sắc hồng và hương thơm quyến rũ. Đến đây ta thấy, nếu như câu thơ đầu thể hiện tâm sự nhàn rỗi chán chường của nhà thơ, thì lúc này, trước hương sắc và sức sống của mùa hè, trước thiên nhiên rực rỡ; tâm hồn thi nhân đã trở nên tươi vui và say mê thưởng thức. Bởi thế mà nhà thơ mới gợi ra được sự sinh động của thiên nhiên trong từng màu sắc, đường nét.

Và bức tranh ấy, còn thi vị hơn nữa, đầy say mê hơn nữa khi không chỉ có sắc, có hương mà còn có sự hòa quyện của âm thanh cuộc sống thôn quê bình dị:

“Lao xao chợ cả làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

“Lao xao” là âm thanh nghe đâu đó xa xa vọng lại, chẳng rõ ràng nhưng vẫn văng vẳng âm vang. Một chữ “lao xao” đã đủ tái hiện âm thanh cuộc sống thường nhật của làng chài. Đọc câu thơ này, người đọc có thể hình dung thấy cảnh chợ cá thân quen, bận rộn với cảnh kẻ bán người mua.

Mùa hè còn có tiếng kêu inh ỏi của đám ve. Tiếng ve là tiếng gọi hè, cũng như thúc giục những hoa những sắc màu của mùa hè bừng nở, tỏa rực. Và tiếng ve cũng làm đầy không gian tĩnh lặng của căn lầu giữa buổi chiều buông.

Như vậy, qua bài thơ “Cảnh ngày hè” có thể thấy, Nguyễn Trãi cảm nhận bức tranh thiên nhiên với cả thị giác, khứu giác và thính giác. Vì vậy, cảnh ngày hè trong thơ hiện lên thật rộn rã và căng tràn sức sống. Có lẽ chính tình yêu thiên nhiên say đắm, sự tinh tế trong cảm nhận đã giúp người thi nhân quan sát, miêu tả và tận hưởng thiên nhiên ngày hè thật tỉ mỉ và đặc sắc như thế.

Nguyễn Trãi là người yêu thiên nhiên, và cũng bởi vậy mà qua thiên nhiên ông muốn nói lên tâm sự, tâm tình ẩn sâu trong lòng. Và mặc dù ông đang vui với thiên nhiên, có vẻ như đang hòa hợp với đời sống thôn quê, nhưng cái tình chủ đạo của bài thơ vẫn là tấm lòng yêu nước thương dân của Nguyễn Trãi, là nỗi niềm trăn trở của ông về đất nước. Chính khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống bình dị thường nhật những ngày hè ở thôn dã đã mở ra ước vọng tha thiết trong lòng nhà thơ:

“Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắp đòi phương.”

Hai câu thơ cuối này, dường như là sự kết đọng bao suy tư, trăn trở của người thi nhân. Người ta vẫn nói, “tức cảnh sinh tình”, quả không sai. Cái tình ở đây của Nguyễn Trãi là ông ước có trong tay cây đàn của vua Thuấn để tấu lên một khúc “Nam phong” – khúc nhạc mang ước vọng cầu cho nhân dân muôn nơi được sống ấm no, hạnh phúc. Câu thơ mang nặng nỗi lo cho dân, cho nước, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả của một người dành suốt cuộc đời đấu tranh cho lợi ích dân tộc. Tâm tình này của Nguyễn Trãi không khỏi làm ta liên tưởng tới tấm lòng khao khát vì dân của Đỗ Phủ trong bài thơ “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá”:

“Ước được nhà rộng muôn ngàn gian,

Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan,

Gió mưa chẳng núng, vững như thạch bàn!

Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững đứng trước mắt, 

Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!”

Qua đó ta thấy, Nguyễn Trãi và Đỗ Phủ có sự tương giao trong tư tưởng, nhận thức của như nỗi niềm thời đại. Ta còn thấy rõ hơn, Nguyễn Trãi bấy lâu dù có lui về ở ẩn, dù có vẻ như vui vầy với gió mây cây cỏ, thì trong tâm vẫn nặng trĩu nỗi lo nước, thương đời. Suốt cuộc đời, mọi việc ông làm đều hướng đến một khát vọng, khi có giặc thì trừ giặc, hết giặc thì lo ấm no, hạnh phúc cho dân. Tình yêu nước, thương dân này của ông đã vang danh bao đời và còn vang danh ngàn đời Điều này chính là cốt cách, tư tưởng nhân đạo sâu sắc của nhà thơ.

Qua phân tích vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi, ta có thể cảm nhận được biết bao tình cảm, bao nhiêu suy tư, trăn trở của ông. “Cảnh ngày hè” không chỉ vẽ ra trước mắt người đọc một bức tranh thiên nhiên tươi sáng, nhiều sắc màu và tràn đầy sức sống; mà hơn thế còn cho ta thấy vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi, chân dung tinh thần của người anh hùng dân tộc, cũng là người nghệ sĩ hết mực tài hoa.

Bên cạnh nội dung, tình cảm đáng trân trọng, bài thơ “Cảnh ngày hè” còn thể hiện cái tài của Nguyễn Trãi trong nghệ thuật văn chương. Với tác phẩm này, ông dùng thể thơ thất ngôn xen với lục ngôn và dùng chữ Nôm làm ngôn ngữ nghệ thuật có sức biểu cảm, biểu nghĩa tuyệt vời. Các hình ảnh của thôn dã được ông đưa vào thơ gợi sự gần gũi, bình dị và mang đậm “chất” Việt Nam. Nếu văn chương cổ bài xích hình ảnh dân dã như “chợ cá” hay âm thanh của đời thường, thì Nguyễn Trãi lại yêu thích và đưa vào thơ, tạo sự gần gũi, bình dị và mang đậm “chất” Việt Nam.

Câu 4. Đọc những vần thơ Nguyễn Trãi viết về nỗi niềm thế sự, bạn hình dung như thế nào về con người tác giả?

Con người Nguyễn Trãi qua những vần thơ thế sự:

– Ông là một con người “một đời ôm mối ưu dân, ái quốc”, “trĩu nặng suy tư trước thế sự”.

– Khi viết về con người, về nhân tình thế thái, ngòi bút của nhà thơ chứa đựng sự ưu tư, nỗi buồn sâu sắc, thất vọng trước thực tại.

Câu 5. Văn chính luận của Nguyễn Trãi đã từng thể hiện sức tác động mạnh mẽ như thế nào? Theo bạn, những yếu tố nào đã làm nên sức mạnh đó?

– Văn chính luận của ông có giá trị mẫu mực, là cột mốc đánh dấu sự phát triển của văn chính luận ở nước ta.

Văn chính luận của Nguyễn Trãi từng thể hiện sức tác động mạnh mẽ đến nền văn học nước nhà với sức thuyết phục cao, mang ý nghĩa thời đại lớn.

– Đặc biệt là qua những lá thư từ bút chiến, văn kiện ngoại giao với nhà Minh, luôn đạt đến trình độ mẫu mực.

Những yếu tố làm nên sức mạnh đó:

– Nguyễn Trãi còn bám sát từng đối tượng và tình hình chiến sắc bén với dẫn chứng phong phú, bố cục chặt chẽ, ngôn từ hàm súc, kết hợp sự, kết hợp lí lẽ nhiều phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, giọng điệu truyền cảm.

– Nhờ sự vận dụng triệt để và sắc sảo các mệnh đề tư tưởng, đạo đức của Nho giáo và chân lý khách quan của đời sống để xây dựng nên những luận điểm vững chắc.

Câu 6. Hãy kể tên những tác phẩm văn học, nghệ thuật mà bạn biết nói về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Trãi.

Tất cả những tác phẩm sau đây đều gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi.

Văn chính luận

– Quân trung từ mệnh tập là tập sách gồm những văn thư do Nguyễn Trãi thay mặt Lê Thái Tổ gửi cho các tướng tá nhà Minh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và là văn văn tướng sĩ, từ năm 1423 đến năm 1427. Bản khắc in năm 1868 chỉ ghi lại được 46 văn kiện. Năm 1970, nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp phát hiện thêm 23 văn kiện nữa do Nguyễn Trãi viết gửi cho tướng nhà Minh.

– Bình Ngô đại cáo. Một số bài chiếu, biểu viết dưới thời Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông (1433 – 1442).

Thơ chữ Hán

– Ức Trai thi tập là tập thơ bằng chữ Hán của Nguyễn Trãi, gồm 105 bài thơ, trong đó có bài Côn Sơn ca nổi tiếng. Theo Lê Quý Đôn sách gồm 3 quyển, Nguyễn Trãi Trần Khắc Kiệm biên tập.

– Tập thơ này có những bài Nguyễn Trãi họa thơ với các viên quan thái thú nhà Minh lúc đó như Thượng thư Trần Hiệp, với bài Thứ vận Trần thượng thư đề Nguyễn bố chánh thảo đường, hoặc bài đề thơ với Ngự sử Hoàng Phúc, Đề Hoàng ngự sử Mai Tuyết hiện.

Thơ chữ Nôm

– Quốc âm thi tập là tập thơ bằng chữ Nôm của Nguyễn Trãi, gồm 254 bài thơ, chia làm 4 mục: Vô đề (192 bài), Thời lệnh môn (21 bài), Hoa mộc môn (34 bài), Cầm thú môn (7 bài). Theo Trần Huy Liệu đây là tập thơ Nôm xưa nhất của Việt Nam còn lại đến nay. Bằng tập thơ này, Nguyễn Trãi là người đặt nền móng cho văn học chữ Nôm của Việt Nam.

Kết nối đọc viết sau khi đọc Tác gia Nguyễn Trãi

Sau khi tổng hợp được những hiểu biết về cuộc đời, tư tưởng lớn của Nguyễn Trãi, học sinh kết nối bằng cách viết thành đoạn văn. Bằng sự hiểu biết và cảm nhận của bản thân, kết hợp các đoạn mẫu, bạn sẽ có được bài phân tích chỉnh chu cho riêng mình.

soạn bài tác giả nguyễn trãi
tác gia nguyễn trãi soạn văn

Chuẩn bị phần kết nối đọc – viết trong tác phẩm Tác gia Nguyễn Trãi 

Sưu tầm một bài thơ chữ Hán hoặc chữ Nôm của Nguyễn Trãi và viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) giới thiệu bài thơ đó.

Trả lời (1)

Cảnh mùa hè qua tâm hồn, tình cảm của Nguyễn Trãi, thiên nhiên bừng bừng sức sống. Cây hòe lớn lên nhanh, tán nó càng lớn dần lên có thể như một tấm trướng rộng căng ra giữa trời với cành lá xanh tươi. Những cây thạch lựu còn phun thức đỏ, ao sen tỏa hương, màu hồng của những cành, hoa điểm tô sắc thắm. Qua lăng kính của Nguyễn Trãi: sức sống vẫn bừng bừng, tràn đầy, cuộc đời là một vườn hoa, một khu vườn thiên nhiên muôn màu muôn vẻ. Cảnh vật như cổ tích có lẽ bởi nó được nhìn bằng con mắt của một thi sĩ đa cảm, giàu lòng ham sống với đời….

Qua cảnh mùa hè, tình cảm Nguyễn Trãi cũng thể hiện một cách sâu sắc:

“Lao xao chợ cá làng ngư phủ

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”.

“Chợ” là hình ảnh của sự thái bình trong tâm thức của người Việt. Chợ đông vui thì nước thái bình, thịnh trị, dân giàu đủ ấm no; chợ tan rã thì dễ gợi hình ảnh đất nước có biến có loạn, có giặc giã, có chiến tranh, đạo binh… lại thêm tiếng ve kêu lúc chiều tà gợi lên cuộc sống nơi thôn dã. Chính những màu sắc nơi thôn dã này làm cho tình cảm ông thêm đậm đà sâu sắc và gợi lại ý tưởng mà ông đang đeo đuổi:

“Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương”.

Trả lời (2)

CÔN SƠN CA

Côn Sơn hữu tuyền,

Kỳ thanh lãnh lãnh nhiên,

Ngô dĩ vi cầm huyền.

Côn Sơn hữu thạch,

Vũ tẩy đài phô bích,

Ngô dĩ vi đạm tịch.

Nham trung hữu tùng,

Vạn lí thuỷ đồng đồng,

Ngô ư thị hồ yển tức kì trung

Lâm trung hữu trúc,

Thiên mẫu ấn hàn lục,

Ngô ư thị hồ ngâm tiểu kì trắc.

Vấn quân hà bất quy lai,

Bán sinh trần thổ trường giao cốc?

Vạn chung cửu đỉnh hà tất nhiên,

Âm thuỷ phạn sơ tùy phận túc.

Quân bất kiến: Đổng Trác hoàng kim doanh nhất ổ,

Nguyên Tái hồ tiêu bát bách hộc.

Hựu bất kiến: Bá Di dữ Thúc Tề,

Thú Dương ngạ tự bất thực túc?

Hiền ngu lưỡng giả bất tương mẫu,

Diệc các tự cầu kì sở dục.

Nhân sinh bách tuế nội,

Tất cánh đồng thảo mộc.

Hoan bị ưu lạc điệt vãng lai,

Nhất vinh nhất tạ hoàn tương tục.

Khâu sơn hoa ốc diệc ngẫu nhiên,

Tử hậu thuỳ vịnh cảnh thuỳ nhục.

Nhân gian nhược hữu Sào Do đồ,

Khuyến cừ thính ngã sơn trung khúc.

Bản dịch thơ của nhóm Đào Duy Anh

 

Côn Sơn có khe,

Tiếng nước chảy rì rầm.

Ta lấy làm đàn cầm.

Côn Sơn có đá,

Mưa xối rêu xanh đậm,

Ta lấy làm chiếu thảm.

Trên núi có thông,

Muôn dặm rờn rơn biếc một vùng,

Ta tha hồ ngơi nghỉ ở trong.

Trong rừng có trúc,

Nghìn mẫu in biếc lục,

Ta tha hồ ca ngâm bên gốc.

Ngươi sao còn chửa về đi!

Nửa đời bụi bặm hoài lăn lóc,

Muôn chung, chín đỉnh có làm gì?

Nước lã, cơm rau miễn tri túc,

Ngươi chẳng thấy Đổng Trác ngọc vàng chất đầy nhà?

Nguyên Tải hồ tiêu tám trăm hộc?

Lại chẳng thấy Bá Di với Thúc Tề?

Thú Dương chết đói không ăn thóc?

Hiền ngu dù chẳng giống nhau đâu,

Cũng đều muốn thỏa lòng sở dục.

Người đời trong trăm năm,

Rốt cuộc như thảo mộc.

Vui buồn lo sướng đổi thay nhau,

Một tươi một héo vẫn tương tục.

Cần hoang lầu đẹp cũng ngẫu nhiên,

Chết rồi ai vinh với ai nhục?

Nhân gian nếu còn bọn Sào Do,

Khuyên hãy nghe ta ca một khúc.

DÀN Ý

Mở bài

Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Trãi (những nét khái quát về cuộc đời, các tác phẩm chính,…).

Giới thiệu khái quát về bài thơ “Bài ca Côn Sơn” (hoàn cảnh ra đời, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật…).

Thân bài

– Cảnh vật Côn Sơn

  • Hình ảnh miêu tả thiên nhiên Côn Sơn:

– Suối: tiếng suối như tiếng đàn cầm

– Đá rêu phơi êm ái như ngồi trên chiếu

– Thông mọc như nêm: thông mọc rậm và dày

– Trúc bóng râm: trúc rậm, râm mát, dày tạo nên bóng râm khi trời nắng.

  • Biện pháp nghệ thuật

⇒ Gợi vẻ đẹp ngàn xưa, thanh cao, khoáng đạt, yên tĩnh và nên thơ: Có âm thanh sống động hồn người, có sắc xanh bất tận bao la hùng vĩ của cây rừng Côn Sơn. Thiên nhiên như một người bạn tri âm, tri kỉ của nhà thơ.

– Con người giữa cảnh vật thiên nhiên Côn Sơn:

⇒ Nhân vật trữ tình thả hồn mình, sống cuộc sống thanh cao, hòa mình vào giữa khung cảnh thiên nhiên Côn Sơn.

– Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên:

⇒ Thể hiện sức sống thanh cao, sự hoà hợp giữa con người với thiên nhiên tươi đẹp, trong lành đồng thời ca ngợi sức sống thanh cao, hòa hợp giữa con người với thiên nhiên.

Kết bài

– Cảm nghĩ về tác phẩm và tác gia lớn của dân tộc.

BÀI LÀM

Bài ca Côn Sơn (Côn Sơn ca) là một bài thơ chữ Hán nổi tiếng. Có lẽ Nguyễn Trãi viết bài thơ này trong thời kì ông cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn để giữ cho tâm hồn được thanh cao, trong sạch.

Đối với Nguyễn Trãi, Côn Sơn là một miền đất có sức hút kì lạ. Chẳng thế mà hai lần cáo quan về ở ẩn, ông đều tìm về với Côn Sơn. Và núi rừng Côn Sơn thanh vắng đã trở thành một thế giới riêng đầy thân thương gắn bó với thi nhân. Tại Côn Sơn, Nguyễn Trãi được sống với chính mình. Dường như thiên nhiên đã trở thành cứu cánh cho tâm hồn ông – một tâm hồn đớn đau vì nhân tình thế thái. Tại Côn Sơn, mọi vật đối với ông trở nên có tình, có nghĩa, như bầu bạn, như tri âm:

Núi láng giềng, chim bầu bạn

Mây khách khứa, nguyệt anh tam 

(Thuật hứng – Bài 19)

Cảnh trí Côn Sơn thanh tĩnh, rộng mở, để cho tâm hồn Nguyễn Trãi hoá thân tìm về, ùa vào đó mà quên đi mọi nỗi ưu phiền:

Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai 

Côn Sơn có đá rêu phơi 

Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm 

Trong ghềnh thông mọc như nêm, 

Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.

Trong rừng có bóng trúc râm,

Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn. 

(Trích Côn Sơn ca).

Đoạn mở đầu bài Côn Sơn ca đem đến cho người đọc bao cảm nhận mới mẻ về tâm hồn thi sĩ của Ức Trai. Trong cảm xúc của ông, cảnh trí Côn Sơn hiện ra thật thơ mộng và lãng mạn: có tiếng suối chảy rì rầm, có đá rêu phơi êm ái, có rừng thông mọc rậm, dày, có rừng trúc xanh mát…, vừa có cái hoang dã của thiên nhiên, vừa có hơi ấm của cuộc sống đầy ắp tình người. Hơn nữa, trong con mắt thi nhân, thiên nhiên không chỉ là cảnh, mà đã trở thành nhà. Ngôi nhà thiên nhiên ấy thật đặc biệt: suối là đàn, rêu là chiếu, bóng thông làm giường, bóng tre trúc là nơi ngâm vịnh thơ ca. Thật là tuyệt thú! Và trong ngôi nhà thiên nhiên ấy, ông để tâm hồn mình giao hoà với cảnh và vẽ lại nó bằng một ngọn bút tài hoa.

Bức tranh thiên nhiên được chấm phá bằng âm thanh rì rầm của tiếng suối được cảm nhận như tiếng đàn:

Côn Sơn suối chảy rì rầm,

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.

Một hình ảnh so sánh thật độc đáo và gợi cảm. Suối đang chảy hay thi nhân đã thả hồn mình vào tiếng suối, làm rung lên cung đàn diễn tả nỗi khát khao yêu cuộc sống? Năm trăm năm sau, thi sĩ Hồ Chí Minh cũng có chung cảm nhận ấy:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Phải chăng những tâm hồn nghệ sĩ đã tìm về với nhau?

Sau những giây phút thả hồn mình cùng tiếng suối, thi nhân lặng đến ngồi bên những phiến đá mà thời gian đã rêu phong bao phủ. Ông ngồi chơi ngắm cảnh, hay ngồi đánh cờ một mình? Có lẽ là cả hai. Trên nhân gian này, không ít người đã từng ngồi trên đá, nhưng làm sao họ cảm nhận được như thi nhân?

Côn Sơn có đá rêu phơi,

Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm,

Một hình ảnh so sánh liên tưởng đầy thú vị khiến ta không khỏi ngỡ ngàng. Nguyễn Trãi trở về Côn Sơn không phải là để ẩn dật theo đúng nghĩa của cách sống ẩn dật, mà ông trở về Côn Sơn với nỗi hân hoan đầy tự do của một con người trở về nhà mình (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Và trong ngôi nhà ấy, ông không những được tha hồ nghe nhạc rừng, ngồi trên đá đánh cờ, mà còn được

nằm dưới bóng thông râm mát, được ngâm thơ nhàn dưới bóng trúc xanh. Một cuộc sống mà người và cảnh gắn bó với nhau, hoà nhập vào nhau. Lòng Ức Trai thanh thản đến lạ kì.

Chưa bao giờ mà tâm hồn thi sĩ của Ức Trai lại được bộc lộ đầy đủ, sâu sắc và đằm thắm đến thế!

Cũng tại Côn Sơn này, hồn thơ Ức Trai còn tiếp tục rộng mở để đón nhận thiên nhiên, chờ thiên nhiên về chất đầy kho:

Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc

Thuyền chở yên hà nặng vạy then 

(Thuật hứng – Bài 24)

Tình yêu thiên nhiên sâu nặng đến mức thi nhân sợ bóng hòa tan mà không dám quét nhà:

Hé cửa, đêm chờ hương quế lọt,

Quét hiện, ngày đợi bóng hoa tan

(Quốc Âm thi tập – Bài 160)

Nhân cách thanh cao và tâm hồn thi sĩ của Nguyễn Trãi thực sự là tấm gương sáng để ta soi vào.

Trả lời (3)

Cảm nhận đầu tiên về bài thơ Cảnh ngày hè trong trái tim người đọc đó là một bức tranh thiên nhiên mùa hè với màu sắc tươi vui, rộn rã, đầy sức sống:

“Rồi hóng mát thuở ngày trường

Hòe lục đùn đùn tán rợp trường

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ 

Hồng liên trì đã tịn mùi hương”

Ngay trong câu thơ mở đầu nhà thơ đã nói lên những ngày dài đằng đẵng nhàn rỗi của nhà thơ từ những ngày rời quan về ở ẩn. Và cũng từ những ngày nhàn rỗi này, nhà thơ mở rộng tâm hồn, hòa mình vào thiên nhiên rực rỡ. Thơ xưa thường đưa hình ảnh “tùng – cúc – trúc – mai” vào trang thơ. Nhưng nhà thơ Nguyễn Trãi lại đưa những thi liệu mới là những loài cây dân dã như “hòe”, “thạch lựu” vào thơ của mình. Cảnh vật mùa hè lần lượt hiện lên sống động với màu “lục” của tán “hòe” đang xòe tán rộng, vươn lên tỏa bóng mát.

Hè đến còn mang theo màu đỏ rực của “thạch lựu” và sắc hồng của những bông hoa sen trong ao “hồng liên trì”. Ở đây, nhà thơ đã rất thành công khi sử dụng các động từ mạnh “đùn đùn”, “phun” thể hiện một sức sống rất mãnh liệt từ bên trong cây hòe, cây lựu. Tất cả sức sống mãnh liệt ấy dường như đang muốn phun trào, muốn trỗi dậy vươn lên. Không chỉ màu sắc rực rỡ mà bức tranh mùa hè còn mang đến những mùi hương thơm ngát đặc trưng từ những bông sen, một hình ảnh ao sen quen thuộc trong đời sống cũng như trong thơ ca Việt Nam. Đọc những câu thơ của Nguyễn Trãi, người đọc liên tưởng tới một ý thơ khác của Nguyễn Du “Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông” về mùa hè đáng yêu, rực rỡ như thế!

Kết luận

Soạn bài Tác gia Nguyễn Trãi để cảm nhận được chất riêng của nhà văn, nhà thơ lớn này. Ông chính là nhân vật có đóng góp đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng văn học Đại Việt sau khi bị giặc Minh xâm lược và dùng chính sách “diệt văn hóa”.

XEM THÊM:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *