Soạn bài Tác gia Nguyễn Du – Kết nối tri thức Ngữ văn lớp 11 

Thông qua soạn bài Tác gia Nguyễn Du, học sinh nắm được nhiều thông tin về nhà thơ, nhà văn hóa lớn thời Lê Mạt ở Việt Nam. Ông được tôn xưng là “Đại thi hào dân tộc”, để lại cho nền văn học nước ta nhiều tác phẩm tiêu biểu.

Trang phân tích văn học ThePOETMagazine đã tổng hợp đầy đủ thông tin chi tiết liên quan đến bài học này. Bạn có thể tham khảo để theo dõi để có thêm gợi ý cho phần chuẩn bị của bài học này.

Trước khi đọc bài Tác gia Nguyễn Du

Truyện Kiều của Nguyễn Du đã hòa nhập vào đời sống, sinh hoạt văn hóa của dân tộc Việt Nam. Bạn hãy nêu một trường hợp có sử dụng hình thức đố Kiều, lẩy Kiều hoặc vịnh Kiều.

tác gia nguyễn du
Soạn Tác gia Nguyễn Du trước khi đọc

Lẩy Kiều là dùng câu 6 ghép vào câu 8 – lấy bất kỳ câu nào trong 3254 câu trong Truyện Kiều miễn là cùng vần để tạo ra một văn bản hàm nghĩa khác, dài ngắn như thế nào tùy vào nội dung mà bạn muốn diễn đạt.

“Nhại Kiều” là phỏng theo một số câu quen thuộc trong Truyện Kiều để viết ra những câu tương tự, thường là để châm biếm, giễu cợt. Chẳng hạn, với hai câu Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần” thì có người nhại lại:

Có tiền mà cậy chi tiền

Có tiền như Mỹ cũng phiền lắm thay

Bói kiều cũng là một văn hóa ngày Tết thường gặp ở nhiều địa phương. Thông thường, khi bói kiều, người ta khăn áo chỉnh tề, tay cầm cuốn Truyện Kiều, thành tâm với điều mà mình muốn biết sắp xảy ra như thế nào, nhìn nén hương đang cháy nghi ngủ và khấn xin. Khấn xong, thì người bói lật trang Kiều và đọc câu thơ đầu tiên của trang sách, tùy theo tâm thế của mình mà suy ngẫm cho hợp hoàn cảnh.

Trong khi đọc tác phẩm Tác gia Nguyễn Du

Trong phần đọc tác phẩm trong sách văn 11, học sinh giải đáp đầy đủ các câu hỏi được đặt ra trong sách giáo khoa. Phần này chủ yếu làm rõ nội dung về truyền thống gia đình, dòng họ, bối cảnh và mốc quan trọng trong cuộc đời của Nguyễn Du.

soạn tác gia nguyễn du
Soạn bài Tác gia Nguyễn Du trong khi đọc

1/ Truyền thống gia đình, dòng họ và bối cảnh thời đại Nguyễn Du.

Gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học: cha là Nguyễn Nhiễm, đỗ tiến sĩ, từng giữ chức Tể Tướng, anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản từng làm quan to dưới triều Lê – Trịnh. Nhưng sớm mồ côi cha mẹ (mồ côi cha từ năm 9 tuổi, mồ côi mẹ năm 12 tuổi). Hoàn cảnh gia đình cũng có ảnh hưởng đến sáng tác của Nguyễn Du.

Thời đại:

  • Cuộc đời Nguyễn Du gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX. Các tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh – Nguyễn tranh giành quyền lực.
  • Chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng, xã hội rối ren, cuộc sống của nhân dân cơ cực, lầm than.
  • Phong trào khởi nghĩa diễn ra khắp nơi, tiêu biểu nhất chính là khởi nghĩa Tây Sơn do Quang Trung Nguyễn Huệ lãnh đạo.
  • Nghĩa quân Tây Sơn đã đánh đổ tập đoàn phong kiến Trịnh, Lê, Nguyễn, quét sạch hai mươi vạn quân xâm lược nhà Thanh.

2/ Những điểm mốc quan trọng trong cuộc đời Nguyễn Du.

Cuộc đời Nguyễn Du gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVII – XIX. Yếu tố thời đại đã ảnh hưởng sâu sắc tới ngòi bút của Nguyễn Du khi viết về hiện thực đời sống. Cuộc đời từng trải, phiêu bạt nhiều năm trên đất Bắc, đi nhiều, tiếp xúc nhiều đã tạo cho Nguyễn Du vốn sống phong phú và niềm thông cảm sâu sắc với những đau khổ của nhân dân. Nguyễn Du là một thiên tài văn học, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn.

Thuở nhỏ Nguyễn Du sống trong nhung lựa, nhưng cuộc sống này kéo dài không quá mười năm. Vì mồ côi cha mẹ từ sớm, ông và các anh em ruột phải đến sống với người anh cả khác mẹ là Nguyễn Khản (khi ấy, ông Khản đã hơn Nguyễn Du 31 tuổi).

Năm 1780, khi Nguyễn Du 15 tuổi xảy ra vụ án “Vụ mật án Canh Tý” của Trịnh Sâm lập con thứ là Trịnh Cán làm thế tử, thay cho con trưởng là Trịnh Tông. Ông Khản giúp Trịnh Tông, việc bị bại lộ, bị giam.

Năm 1783, Nguyễn Du thi Hương đỗ tam trường (tú tài), sau đó không rõ vì lẽ gì không đi thi nữa. Trước đây, một võ quan họ Hà (không rõ tên) ở Thái Nguyên không có con nên đã nhận ông làm con nuôi. Vì thế, khi người cha này mất, Nguyễn Du được tập ấm một chức quan võ nhỏ ở Thái Nguyên.

Năm 1802, ông nhậm chức Tri huyện tại huyện Phù Dung (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên). Tháng 11 cùng năm, đổi làm Tri phủ Thường Tín (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội).

Kể từ đó, Nguyễn Du lần lượt đảm đương các chức việc sau:

  • Năm 1803: đến cửa Nam Quan tiếp sứ thần nhà Thanh, Trung Quốc.
  • Năm 1805: thăng hàm Đông Các điện học sĩ.
  • Năm 1807: làm Giám khảo trường thi Hương ở Hải Dương.
  • Năm 1809: làm Cai bạ dinh Quảng Bình.
  • Năm 1813: thăng Cần Chánh điện học sĩ và giữ chức chánh sứ đi Trung Quốc.

Sau khi đi sứ về vào năm 1814, ông được thăng Hữu tham tri Bộ Lễ.

Năm 1820, Gia Long mất, Minh Mạng (1721 – 1840) lên ngôi, Nguyễn Du lại được cử làm chánh sứ đi Trung Quốc, nhưng chưa kịp lên đường thì mất đột ngột (trong một trận dịch khủng khiếp làm chết hàng vạn người lúc bấy giờ) ở kinh đô Huế vào ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn, tức 18 tháng 9 năm 1820. Tư tưởng Nguyễn Du khá phức tạp và có nhiều mâu thuẫn (trung thành với nhà Lên, không hợp tác với Tây Sơn, bất đắc dĩ làm quan cho nhà Nguyễn), là một người có hoài bão, lí tưởng nhưng trở thành nạn nhân của giai đoạn lịch sử nhiều bể dâu, sống một cuộc đời bi kịch nhưng chính điều đó khiến ông trở thành một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn.

3/ Chú ý hoàn cảnh sáng tác, nội dung cơ bản và đặc sắc về nghệ thuật của từng tập thơ.

Thanh Hiên thi tập:

Hoàn cảnh sáng tác: viết vào những năm trước 1802, để nói lên tính cách tâm sự của mình trong hoàn cảnh lênh đênh, lưu lạc hoặc trong thời gian ẩn náu ở quê nhà, lúc gia đình đã sa sút theo đà sụp đổ của chế độ Lê – Trịnh.

Nội dung: chứa đựng tình cảm quê hương thân thuộc, có khi ốm đau mà chẳng thuốc thang gì, có lúc đói rét phải nhờ cậy vào lòng thương của người khác. Tâm sự của tác giả trong thời kỳ này là một tâm sự buồn rầu, có khi chán nản, uất ức,… Thanh Hiên thi tập ghi lại tâm sự của một con người đầy hùng tâm, tráng chí nhưng gặp nhiều cảnh ngộ không như ý nên phải ôm trong lòng mối u uất không thể giải tỏa. Bao trùm tập thơ là điệp khúc buồn, u uẩn, day dứt khôn nguôi.

Nghệ thuật: thơ chữ Hán, sử dụng các điển tích, điển cố.

Nam trung tạp ngâm:

Hoàn cảnh sáng tác: gồm những bài thơ làm từ năm 1805 đến cuối năm 1812. Tức là từ khi được thăng hàm Đông các điện học sĩ ở Huế cho đến hết thời kỳ làm Cai bạ dinh Quảng Bình. Tập thơ hiện có 40 bài, mở đầu tập là bài Phượng hoàng lộ thượng tảo hành (Trên đường Phượng Hoàng) và cuối tập là bài Đại tác cửu tư quy (Làm thay người đi thú lâu năm mong về).

Nội dung: nói về sự nghèo túng, ốm đau của mình (Ngẫu đề, Thủy Liên đạo trung tảo hành,…) hay nói một cách mỉa mai và bóng gió về thói hay chèn ép của các quan lại (Ngẫu đắc, Điệu khuyển,…).

Nghệ thuật: giọng điệu bi thiết, buồn thương. Còn về phong cách, thơ Nguyễn Du có giọng nhu, khoan thai mà tha thiết lắng sâu và chân thành hết mực, cảm hứng trữ tình và cảm hứng hiện thực đan xen làm nên tính chất vừa thống nhất, vừa phân hóa tương đối trong cảm hứng nghệ thuật nói chung của thơ chữ Hán Nguyễn Du. Trong đó, cảm hứng trữ tình vẫn chiếm ưu thế hơn cả và tạo thành âm hưởng chủ đạo của hai tập thơ. Đó là thế giới tinh thần đầy u uất, buồn thương và những vận động nội tâm sâu sắc của một con người luôn khao khát sống nhưng thời thế lắm điều không như ý.

Bắc hành tạp lục:

Hoàn cảnh sáng tác: sáng tác trong thời gian đi sứ Trung Quốc.

Nội dung: là niềm cảm thương trăn trở, day dứt trước số phận con người, đặc biệt là những kẻ tài hoa. Với đề tài hiện thực, Nguyễn Du từ cõi lòng đầy những thất vọng khổ đau của riêng mình đề cập đến những trăn trở trước số phận của cõi người. Xuất hiện trong tập thơ là hiện thực nhân dân cùng khổ, Nguyễn Du đã vẽ nên những bức tranh sống động về tình cảnh những người dân nghèo trên bước đường tha phương.

Nghệ thuật: thơ chữ Hán, các cặp thơ đối.

4/ Giá trị chung của thơ chữ Hán Nguyễn Du.

Nguyễn Du đã vượt qua một số ràng buộc của ý thức hệ phong kiến và tôn giáo để vươn lên khẳng định giá trị tự thân của con người. Thơ ông, nhất là thơ chữ Hán luôn thể hiện sự trân trọng, ca ngợi vẻ đẹp, khát vọng sống, khát vọng tình yêu hạnh phúc. Với gia tài thơ chữ Hán của mình, Nguyễn Du đã góp phần không nhỏ trong việc làm nên thành tựu của một giai đoạn rực rỡ nhất trong lịch sử văn học dân tộc.

Thơ chữ Hán của Nguyễn Du vừa lưu giữ thế giới tâm hồn phong phú, phức tạp của một nghệ sĩ lớn, vừa có khả năng khái quát hiện thực rất cao và mang giá trị nhân văn sâu sắc.

5/ Lưu ý mối liên hệ của hai văn bản: Truyện Kiều (Nguyễn Du) và Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm Tài Nhân).

Truyện Kiều được viết theo hình thức truyện thơ Nôm, thể lục bát, gồm 3254 câu, kể về cuộc đời mười lăm năm chìm nổi của Thúy Kiều. Sáng tác Truyện Kiều, Nguyễn Du đã tiếp thu đề tài, cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Việc kế thừa cốt truyện của người đi trước là biểu hiện giao lưu văn hóa, xuất hiện ở nhiều nền văn học Trung đại trên thế giới.

6/ Chú ý nội dung cơ bản của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều.

Truyện Kiều chứa đựng tư tưởng nhân đạo lớn lao, sâu sắc, độc đáo. Tư tưởng đó trước hết được thể hiện qua cảm hứng tôn vinh, vẻ đẹp của con người đặc biệt là phụ nữ. Nguyễn Du thuộc số ít tác giả thời trung đại quan tâm, trân trọng con người một cách toàn diện – cả tâm hồn và thể xác.

Phê phán xã hội bất công, tàn ác, chèn ép con người:

  • Vạch trần bộ mặt xấu xa của bọn quan lại, những kẻ “buôn thịt bán người”, kiếm tiền trên thân xác những người con gái.
  • Lên án xã hội đồng tiền đã chà đạp phẩm giá, hạnh phúc của con người.

=> Ngòi bút tả thực của Nguyễn Du đã phơi bày bộ mặt thật của xã hội phong kiến thối nát, trong đó đồng tiền có thể xoay chuyển tất cả, thao túng con người, dung túng cho cái ác.

Ca ngợi và trân trọng vẻ đẹp của con người:

  • Khắc họa sống động vẻ đẹp ngoại hình của chị em Thúy Kiều, lấy thiên nhiên làm thước đo cho vẻ đẹp của con người.
  • Ca ngợi, trân trọng vẻ đẹp tâm hồn: Thúy Vân thanh cao, đài các, Thúy Kiều sắc sảo, mặn mà.
  • Ca ngợi tài năng của Thúy kiều: cầm kì thi họa đều tinh thông.

Đồng cảm, xót thương những số phận bất hạnh:

  • Xót thương cho những kiếp tài hoa bạc mệnh.
  • Thương cho những kiếp người bị chà đạp, bị ức hiếp, bị biến thành món hàng cho người ta mua bán.

7/ Khát vọng tình yêu và khát vọng sống tự do.

Yêu thương, trân trọng con người nên Nguyễn Du đồng cảm, đồng tình với những khát vọng chính đáng, vượt ra ngoài một số khuôn phép phản nhân văn của tư tưởng phong kiến. Đó là khát vọng của tình yêu, tự do được khẳng định qua mối tình Kim – Kiều trong sáng, thủy chung, cao thượng. Ngòi bút đậm chất đang yêu với đủ mọi cung bậc cảm xúc; mang đến cái nhìn mới mẻ, sâu sắc về tình yêu. Nguyễn Du vẫn hết mực trân trọng tình yêu của Thúy Kiều dành cho Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải. Đó còn là khát vọng sống tự do được Nguyễn Du thể hiện qua nhân vật Từ Hải, giấc mơ công lí được truyền tải qua phiên tòa báo ân báo oán.

8/ Mô hình cốt truyện Truyện Kiều.

Cốt truyện của Truyện Kiều được xây dựng theo mô hình chung của truyện thơ Nôm với ba phần: Gặp gỡ – Chia ly – Đoàn tụ. Trong mỗi phần, Nguyễn Du đều có những sáng tạo độc đáo. Chẳng hạn, đoạn kết Truyện Kiều không viên mãn như các truyện thơ Nôm khác vì sau cuộc đoàn tụ, các nhân vật chính đều không có hạnh phúc trọn vẹn. Tạo dựng một kết thúc như thế, Nguyễn Du đã tôn trọng logic của hiện thực, của tính cách nhân vật.

9/ Những thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật.

Nguyễn Du gần như giữ nguyên hệ thống nhân vật trong Kim Vân Kiều truyện. Song, tính cách của hầu hết các nhân vật đều được thay đổi, phù hợp với chủ đề mới, bản sắc văn hóa và tâm hồn dân tộc.

Sự biến đổi của nhân vật trung tâm tất nhiên dẫn đến sự thay đổi của nhiều nhân vật khác: Kim Trọng, Thúy Vân, Thúc Sinh, Hoạn Thư,… Họ đều hiện lên trong tác phẩm của Nguyễn Du với những diện mạo mới, tính cách mới. Trong Kim Vân Kiều truyện, các nhân vật ít có đời sống nội tâm và gần như không có bi kịch nhưng ở Truyện Kiều, mỗi người đều có nỗi đau riêng.

Các nhân vật trong Truyện Kiều được khắc họa một cách chân thực, sinh động, từ ngoại hình, lời nói, cử chỉ, hành động,… đến diễn biến nội tâm, Nguyễn Du đã cá thể hóa ngoại hình của nhiều nhân vật sử dụng rất thành công các chi tiết bề ngoài để khắc họa tính cách (Thúy Kiều, Thúy Vân, Tú Bà, Mã Giám Sinh,…). Nhiều nhân vật trong Truyện Kiều có giọng điệu và vốn ngôn ngữ riêng, phản ánh chân thực nguồn gốc, lai lịch, tính cách và diễn biến tâm trạng, nhiều đoạn ngôn ngữ đối thoại có khả năng bộc lộ những biến động tinh tế, phức tạp trong tâm hồn nhân vật.

10/ Khám phá thế giới nội tâm nhân vật.

Thế giới nội tâm nhân vật được Nguyễn Du khám phá, thể hiện bằng nhiều phương tiện cử chỉ, hành động, ngôn ngữ đối thoại và độc thoại, lời nửa trực tiếp, “ngôn ngũ” thiên nhiên trong đó, hình tượng thiên nhiên chiếm giữ vị trí quan trọng. Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, tác giả đã tập trung ngòi bút của mình vào nhân vật chính là Thúy Kiều phục vụ cho việc biểu hiện tình cảm nhân đạo cao cả của ông đối với nàng Kiều. Ngoài nhân vật chính, ông lại xây dựng được hàng loạt nhân vật có cá tính và đã trở thành nhân vật điển hình trong văn học: Kim Trọng, Từ Hải, Hoạn Thư, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Thúc Sinh,… Ngay cả những nhân vật tưởng như rất phụ chỉ được miêu tả trong một số câu thơ, Nguyễn Du cũng để lại cho người đọc những hình ảnh khó quê qua những màn, những cuộc đối thoại trong tác phẩm. Chúng ta có thể tìm trong tác phẩm của Nguyễn Du rất nhiều hình thức hội thoại: đơn thoại, song thoại, tam thoại, đa thoại, đối thoại giữa người âm và người dương, đối thoại trực diện và đối thoại gián tiếp,…

11/ Ngôn ngữ và thể thơ lục bát.

Thể thơ lục bát có từ ca dao, tức là xuất hiện từ rất lâu trước đó, song lại chỉ trở thành hoàn mĩ khi có Truyện Kiều. Truyện Kiều đã đưa thể thơ lục bát lên một tầm cao mới, với đầy đủ tính nghệ thuật, cái đẹp thiên cổ nhưng vẫn giữ được nét giản dị của nó. Sử dụng thể thơ lục bát để sáng tác tác phẩm, Nguyễn Du đã góp phần phát triển tiếng Việt, ở thời kì này là chữ Nôm, không phụ thuộc vào dòng chữ Hán của Trung Quốc, tìm cho mình một hướng đi riêng nhưng mang tính dân tộc.

Ngôn ngữ trong tác phẩm bình dị, sử dụng nhiều điển tích điển cố nhưng không gây ra khó hiểu. Tác giả việt hóa và tiếp tục sáng tạo nên ngôn ngữ bình dân, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày và đời sống nên dễ tiếp nhận.

Kết luận

Soạn bài Tác gia Nguyễn Du, có thể thấy ông từng phải trải qua nhiều năm phông bạt, đi nhiều, tiếp xúc nhiều. Cũng chính điều này đã giúp nhà thơ, nhà văn này có vốn sống phong phú, luôn biết cảm thông trước nỗi thống khổ của nhân dân. Ông được mệnh danh là “Thiên tài văn học”, là “Nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn”.

XEM THÊM:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *