Soạn bài Mây và sóng – Văn 6 Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo

Tham khảo tài liệu soạn bài Mây và sóng của NXB Kết nối tri thức và Chân trời sáng tạo. Theo dõi tại The POET Magazine để được hướng dẫn trả lời cụ thể nhất.

Table of Contents

Soạn bài Mây và sóng Kết nối tri thức

Hướng dẫn soạn văn Mây và sóng và trả lời các câu hỏi theo bộ sách Kết nối tri thức..

Soạn bài Mây và sóng
Hướng dẫn soạn văn Mây và sóng và trả lời các câu hỏi theo bộ sách Kết nối tri thức..

1/ Một lần, em được mẹ cho phép đến nhà bạn chơi. Trò chơi đang vui và em rất muốn chơi tiếp thì đến giờ mẹ dặn phải trở về nhà. Khi ấy, em sẽ làm gì?

Học sinh có thể chia sẻ theo nhiều cách:

1 – Giả vờ quên thời gian mẹ dặn, vẫn chơi tiếp.

2 – Gọi điện về xin phép mẹ ở lại chơi tiếp.

3 – Nghe lời mẹ dặn, rời bỏ trò chơi để về nhà đúng giờ.

4 – Hẹn bạn hôm khác sẽ tiếp tục chơi

(Khuyến khích, tuyên dương HS chọn phương án 3, khen ngợi HS chọn phương án 4, nhắc nhở HS chọn phương án 2, phê bình HS chọn phương án 1).

2/ Hình dung: Cảnh em bé trò chuyện với những người “trên mây” và “trong sóng nước”

Có thể hình dung:

Những người ở trên mây và ở trong sóng đang tươi cười vẫy gọi, em bé “nghe” họ mời gọi cùng đi chơi cùng thì lộ rõ vẻ háo hức muốn theo cùng, nhưng sau một thoáng suy nghĩ thì lắc đầu từ chối khi nghĩ đến mẹ và đưa ra câu từ chối.

3/ Hình dung: Niềm vui của em bé trong trò chơi với mẹ

Em bé vui vẻ, hoạt bát trong trò chơi cùng với mẹ, đắm say trong vòng tay mẹ và cất tiếng cười vang trong niềm hạnh phúc vô bờ.

4/ Đọc bài thơ Mây và sóng, ta như được nghe kể một câu chuyện. Theo em, ai đang kể chuyện với ai và kể về điều gì?

Đọc bài thơ Mây và sóng, ta như được nghe kể một câu chuyện. Theo em, người kể chuyện là người con đang kể chuyện với người mẹ, kể về những lời mời gọi cùng đi chơi của những người ở trên mây và ở trong sóng, những trò chơi thú vị của họ và sự từ chối của em bé khi nghĩ đến mẹ của mình.

5/ Qua lời trò chuyện của những người “trên mây” và “trong sóng”, em thấy thế giới của họ hiện lên như thế nào?

Qua lời trò chuyện của những người “trên mây” và “trong sóng”. em thấy thế giới của họ hiện lên hấp dẫn, thú vị:

  • Thế giới của họ có những hình ảnh thiên nhiên thơ mộng: mây, trăng, bầu trời, sóng, những bến bờ kì lạ,… Cuộc vui chơi ở thế giới tự nhiên là một thế giới hấp dẫn, bí ẩn và thú vị, là tiếng gọi của một thế giới diệu kì đối với trẻ thơ.
  • Những người “tren mây” và “trong sóng” họ nhảy múa, ca hát, vui vẻ, hồn nhiên và yêu đời. Thế giới tràn ngập niềm hạnh phúc.

6/ Câu hỏi: “Nhưng tôi làm sao mà lên được với các bạn?”, “Nhưng tôi làm sao gặp được các bạn?” thể hiện tâm trạng gì của em bé?

Sau mỗi lời rủ rê của những người bạn ở cả hai phần, em bé đều hỏi lại:

Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”

Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”

Em bé chưa từ chối ngay những lời mời gọi của những người sống “trên mây” và những người sống “trong sóng” vì trước sự rủ rê ấy, em bé thấy rất thích thú và tò mò. Đó còn là sự thắc mắc, muốn tìm tòi và khám phá thế giới xung quanh mình. Thiên nhiên bao la, rộng lớn đang mở ra trước mắt em bé. Được chơi với mây, với vầng trăng bạc, ngao du nơi này nơi nọ đối với em bé là cả một niềm vui thích, rồi được chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Những câu hỏi đã thể hiện những băn khoăn trong lòng em bé. Nhưng tình yêu mẹ vẫn luôn chiến thắng. Chỉ cần nghĩ đến việc mẹ đang đợi ở nhà là em bé dứt khoát từ chối những lời rủ rê mời gọi dù những trò chơi ấy có hấp dẫn đến thế nào.

7/ Vì sao em bé từ chối lời mời gọi của những người “trên mây” và “trong sóng”?

Em bé đã từ chối lời mời gọi của những người “trên mây” và “trong sóng”. Bởi vì: Chính mẹ em bé, tình yêu thương của mẹ dành cho em đã trở thành sợi dây vô hình buộc chặt em bé ở lại, buộc chặt tâm trí em với lòng mẹ. Điều đó cho thấy em bé là một người con ngoan ngoãn, thể hiện tình yêu tha thiết của em đối với mẹ của mình. Những lời từ chối của em thật ngây thơ, trong sáng đến mức khiến cho những người “trên mây” và “trong sóng” phải mỉm cười, nhảy múa rồi lướt qua. Lời từ chối của em bé còn khẳng định: tình mẫu tử có sức mạnh lớn lao hơn bất kỳ cám dỗ nào, giúp con người ta vượt qua những trở ngại trong cuộc sống.

8/ Em bé đã sáng tạo ra những trò chơi gì? Em cảm nhận như thế nào về mẹ và em bé trong những trò chơi ấy?

Những trò chơi sáng tạo của em bé thú vị chẳng kém trò chơi của người sống trên mây và sóng. Đó là:

Em bé đã sáng ạo ra những trò chơi:
Con là mây và mẹ sẽ là trăng.

Và:

Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm.

Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ.

Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ.

Trong trò chơi do em bé sáng tạo ra, không chỉ có mây, trăng, sóng, bờ biển mà trong đó lại có cả mẹ.

Những trò chơi do em bé sáng tạo ra không có gì đặc biệt, dường như không phải là trò chơi đúng nghĩa: Hai bàn tay con ôm lấy mẹ; con lăn,… lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ. Nhưng ở đây, thiên nhiên rộng lớn, kì ảo, thơ mộng vẫn hiện lên. Nó còn hiện lên đậm nét hơn nữa qua tình cảm của em bé với mẹ. Vì thế, trò chơi ấy lại thể hiện tình cảm thật sâu đậm, thật thiết tha. Tình mẫu tử là thiêng liêng, bất diệt, hòa cả vào trong thiên nhiên bao la, thơ mộng.

9/ Văn bản Mây và sóng có hình thức khác với văn bản Chuyện cổ tích về loài người (số tiếng trong các dòng không bằng nhau, không vần,…). Vì sao nó vẫn được coi là văn bản thơ?

Văn bản Mây và sóng có hình thức khác với văn bản Chuyện cổ tích về loài người (Số tiếng trong các dòng không bằng nhau, không vần). Nhưng nó vẫn được coi là văn bản thơ. Bởi vì:

  • Về hình thức: Tác phẩm có ngôn ngữ cô động, giàu nhạc điệu và hình ảnh, sử dụng biện pháp tu từ so sánh,… và được trình bày thành từng dòng dài ngắn khác nhau, có nhịp điệu. Đây là đặc điểm hình thức của thể thơ tự do.
  • Về nội dung: Mây và sóng đã ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng sâu sắc đồng thời thể hiện triết lý giản dị nhưng đúng đắn về hạnh phúc của cuộc đời: Hạnh phúc đến từ những điều giản dị, gần gũi ngay bên chúng ta.

10/ Hãy tưởng tượng em là người đang trò chuyện với mây và sóng. Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) về cuộc trò chuyện ấy.

Khi tôi đang thơ thẩn dạo chơi thì nghe được những lời mời gọi thật hấp dẫn từ bạn mây và bạn sóng. Đầu tiên là lời mời gọi của bạn mây. Tôi ngước mắt nhìn trời xanh, lắng nghe mây trên chín tầng cao vẫy gọi. Mây ân cần rủ tôi cùng du ngoạn, đùa giỡn với nắng mai, gió lộng, bầu trời cao xanh vời vợi; đi chơi với bạn sẽ thấy bao điều kì thú, từ lúc bình minh đến lúc trăng lên. Rồi tôi lại nghe sóng reo, sóng hát. Sóng cứ rì rầm, thủ thỉ gọi mời tôi cùng vui chơi với bạn ấy. Sóng tỉ tê cùng tôi về một cuộc viễn du: sẽ cùng nhau đến tận chân trời, ca hát sớm chiều giữa đại dương bao la, với cát trắng, nắng vàng, với muôn vàn những người bạn mới trong lòng đại dương… Chao ôi! Các bạn ấy đã vẽ ra trước mắt tôi những hình ảnh thiên nhiên thơ mộng: mây, trăng, bầu trời, sóng, những bến bờ, … đầy cuốn hút. Nhưng tôi không muốn xa mẹ – người luôn yêu thương, quan tâm, chăm sóc tôi và đang mong đợi tôi trở về. Vì thế, tôi đã nói: “Thế giới của bạn thật hấp dẫn, bí ẩn và thú vị, là tiếng gọi của một thế giới diệu kì đối với trẻ thơ, quả thật rất tuyệt vời! Cảm ơn bạn đã muốn cho tớ cùng chơi! Nhưng tớ không thể đi xa để mẹ lo lắng được, tớ trở về vui chơi cùng mẹ tớ thôi! Chúc bạn có những chuyến vui chơi vui vẻ và nếu có thể, hãy quay lại thăm tớ và kể cho tớ nghe về những điều thú vị qua mỗi chuyến đi! Tạm biệt nha!”

Soạn bài Mây và sóng Chân trời sáng tạo

Theo dõi và soạn văn 6 Mây và sóng – NXB Chân trời sáng tạo.

Mây và sóng
Theo dõi và soạn văn 6 Mây và sóng – NXB Chân trời sáng tạo.

1/ Chắc hẳn em đã từng chơi một trò chơi nào đó với người thân trong gia đình (cha mẹ, anh chị,…). Em có cảm xúc như thế nào về những giây phút ấy?

Ngoài những giờ học ra, khi có thời gian rảnh rỗi, em thường cùng với người thân chơi các trò chơi quen thuộc, đầy thú vị như: Chơi cờ, chơi trốn tìm, chơi oẳn tù tì, chơi nhảy lò cò, chơi bi,…

Những giây phút ấy đối với em vô cùng quý giá, tràn ngập sự vui vẻ, hạnh phúc và tự tin khi ở bên cạnh những người mình yêu thương.

2/ Qua hình dung của người con về trò chơi khác “thú vị” hơn, em nghĩ người con muốn thể hiện tình cảm gì?

Qua hình dung của người con về trò chơi khác “thú vị” hơn, người con muốn thể hiện tình yêu thương của mình đối với mẹ. Người con sẽ là mây, mẹ sẽ là trăng, con sẽ dùng hai tay ôm lấy mẹ.

=> Dường như em bé hiểu rằng thú vui kia hấp dẫn, có đáng mơ ước đến bao nhiêu chăng nữa cũng không thể vượt qua hình ảnh ấm áp của mẹ trong trái tim bé. Em biết rằng khi được ở bên mẹ thì cuộc sống sẽ đẹp hơn bất cứ xử sở thần tiên nào. Trò chơi trên mây dưới sóng chỉ là một sớm một chiều trong chốc lát làm sao có thể thay thế những giây phút được cận kề bên mẹ.

3/ Hình ảnh nào hiện lên trong tâm trí em khi đọc bài thơ này?

Hình ảnh mẹ và con đã hiện lên ngay khi em đọc bài thơ này. Tình yêu và sự gắn bó với mẹ của em bé thể hiện qua hai cuộc đối thoại của em với những người trên mây, trong sóng. Mây và sóng được cảm nhận qua cái nhìn và trí tưởng tượng của trẻ thơ trở nên hấp dẫn, tượng trưng cho tấm lòng bao la và sự bao dung của mẹ.

Mây và sóng: Chính là những cái mới lạ, cám dỗ ham muốn đời thường như tiền tài, danh, vọng, thú chơi.

Mây và sóng là những vật phiêu bồng, không hình hài cụ thể, không có điểm dừng chân. Tác giả dùng hình ảnh ấy để nói rằng: những cái mới mẻ, những cám dỗ là muôn hình vạn trạng, đa dạng, phong phú, rất thu hút…

=> Cuộc sống luôn có những điều mới lạ, cám dỗ, ham muốn đời thường. Tago đã dùng tâm lí trẻ thơ tò mò, ham hiểu biết để diễn tả sự khát khao muốn khám phá những điều mới lạ của con người.

4/ Những dấu hiệu nào giúp em nhận biết Mây và sóng là một bài thơ?

Những dấu hiệu giúp em nhận biết Mây và sóng là một bài thơ là:

  • Kết thúc mỗi câu tác giả đều xuống dòng.
  • Lời hỏi đáp của con và các bạn cũng được tác giả trích dẫn và cho vào ngoặc kép.
  • Bài thơ không có vần, không bị ràng buộc bởi vần luật nhưng người đọc vẫn cảm nhận được âm điệu trữ tình, chất nhạc của bài thơ.
  • Bài thơ có sử dụng nhiều hình ảnh mang giá trị biểu đạt sâu sắc: mây, sóng, trăng,…
  • Bài thơ sử dụng nhiều biện pháp tu từ giàu sức gợi hình, gợi cảm: nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, liên tưởng.

5/ Kẻ bảng sau vào vở và điền các thông tin phù hợp, sau đó, trao đổi với bạn:

Ấn tượng của em về bài thơ Những hình ảnh, biện pháp tu từ gợi cho em ấn tượng Ý kiến của bạn em
  • Bài thơ mang một phong cách khác lạ với kết cấu của những bài thơ bình thường, đó là bài thơ văn xuôi.
  • Văn học luôn đầy ắp tình thương. Nhiệm vụ của nó là ca ngợi những tình cảm ngọt ngào, thiêng liêng ấy. Tình mẫu tử là một trong những chủ đề không bao giờ vơi cạn của thi ca. Và ngoài kia – nơi cuộc sống thường nhật có biết bao điều mới lạ, cám dỗ đời thường… Nhưng bài thơ Mây và sóng của Tago như làm thức tỉnh trái tim biết bao người khi nghĩ về mẹ.
Nhân hóa: Mây và sóng như con người – phù hợp với trẻ em

=> Câu thơ như đưa chúng ta trở về với thế giới cổ thích, thần thoại để được hòa mình cùng với tiên đồng ngọc nữ xinh đẹp dịu dàng bay lững lờ trên bầu trời xanh thẳm. Được nghe những nàng tiên cá với giọng hát mê hồn dập dờn trong sóng biển xanh.

Ẩn dụ: Mây là sóng: Chính là những cái mới lạ, cám dỗ ham muốn đời thường như: tiền, tài, danh, vọng, thú chơi.

  • Con là áng mây trôi mềm mại bên mẹ, mẹ là vầng trăng tỏa sáng dịu mát phúc hậu cho cuộc đời con, bầu trời xanh kia là mái nhà ấm cúng. Mái nhà ấy ôm ấp, bao bọc sự ấm áp của tình mẹ con.
  • Con là sóng vỗ nhẹ vào bến bờ. Mẹ là bến bờ kì lạ, bến bờ ấy dường như vô hình nhưng bất tận cho con neo đậu sau những chặng đường mệt mỏi. Con được chở che ôm ấp, được nương tựa suốt cuộc đời.

6/ Hãy phác họa (bằng lời hoặc bằng tranh) những hình dung của em khi đọc bài thơ và chia sẻ với các bạn

Bài làm tham khảo

Văn học luôn đầy ắp tình thương. Nhiệm vụ của nó là ca ngợi những tình cảm ngọt ngào thiêng liêng ấy. Tình mẫu tử là một trong những chủ đề không bao giờ vơi cạn của thi ca. Bài thơ Mây và sóng của Tago như làm thức tỉnh tâm trí biết bao người khi nghĩ về mẹ.

Mượn hình ảnh của thiên nhiên: mây và sóng, tác giả đã gợi ra không gian rộng lớn với những trò chơi thú vị. Thời gian chơi thoải mái, từ khi thức dậy đến lúc chiều tà. Trò chơi thì đa dạng: Chơi với bình minh vàng, chơi với vầng trăng bạc. Đó là những trò chơi ở xứ sở thần tiên hay cõi thiên đường. Trò chơi được diễn ra trên một bức tranh thiên nhiên sặc sỡ sắc màu, thơ mộng ấy làm cho lòng người ham mê khó cưỡng lại được, hơn nữa trẻ em lại là lứa tuổi thích chơi, tò mò, ham hiểu biết.

Hình ảnh ẩn dụ mây và sóng biểu tượng cho những cái mới lạ, cám dỗ ham muốn đời thường. Mây và sóng là những vật phiêu bồng, không hình hài cụ thể, không có điểm dừng chân. Tác giả dùng hình ảnh ấy để nói rằng: những cái mới mẻ, những cám dỗ là muôn hình vạn trạng, đa dạng, phong phú, rất thu hút…

Trước lời mời gọi rủ rê của Mây và Sóng, em bé trong bài thơ đã ước muốn được khám phá. Sau phút giây lưỡng lự và em bé đã từ chối lời mời gọi của Mây và Sóng. Vậy vũ khí vô hình chống lại những cám dỗ ấy là: Mẹ. Lời chối từ đột ngột với lí do đơn giản nhưng tràn ngập tình yêu thương. Lời chối từ ngây thơ nhưng chân thật ấy như một minh chứng cho tình mẫu tử thiêng liên và sâu sắc của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Dường như em bé hiểu rằng thú vui kia có hấp dẫn, có đáng mơ ước đến bao nhiêu chăng nữa cũng không thể vượt qua hình ảnh ấm áp của mẹ trong trái tim bé. Em biết rằng khi được ở bên mẹ thì cuộc sống sẽ đẹp hơn bất cứ xứ sở thần tiên nào. Trò chơi trên mây dưới sóng chỉ là một sớm một chiều trong chốc lát làm sao có thể thay thế những giây phút được cần kề bên mẹ.

Dù không rủ rê, không thuyết phục được em bé vào cuộc chơi, nhưng Mây và Sóng không buồn mà ngược lại tỏ ra rất vui vẻ chấp nhận sự thất bại của mình. Khâm phục con người, biết đặt vị thế của mẹ lên trên hết, biết chế ngự những ham muốn, cám dỗ.

7/ Hãy nêu hiệu quả của việc sử dụng các yếu tố tự sự và miêu tả trong bài thơ

Lời thoại lồng trong kể chuyện: lời thủ thỉ tâm tình, dễ đi vào lòng người.

Yếu tố miêu tả lựa chọn những hình ảnh độc đáo, giàu sức biểu đạt. Những hình ảnh được miêu tả cụ thể, sinh động, hấp dẫn, phù hợp với trí tưởng tượng của trẻ thơ.

=> Tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn, thích thú ở người đọc.

8/ Em có cảm nhận gì về tình cảm của tác giả? Những chi tiết nào trong bài thơ khiến em có cảm nhận đó?

Nhà thơ sinh ra ở Ấn Độ. Thơ ông tượng trưng cho cái hồn của đất nước này. Những tác phẩm của Tago mang đến những xúc cảm mãnh liệt, thiết tha và sâu lắng bởi những chiêm nghiệm được đúc kết qua chính cuộc đời của ông. Ông được biết đến với rất nhiều tác phẩm tiêu biểu. Khi phân tích bài thơ Mây và sóng ta sẽ thấy đây là một tác phẩm điển hình cho hồn thơ của ông.

Mây và sóng được Tago tạo nên giống như một khúc ca, một bài hát nhẹ nhàng với giọng điệu du dương, da diết và sâu lắng. Từ đó, tình cảm gia đình, tình mẫu tử thiêng liêng cao quý cũng như hạnh phúc và ước mơ tự do của con người được thể hiện một cách rất tự nhiên và ngọt ngào.

Bài thơ có giá trị nghệ thuật lớn lao bởi Tago đã sử dụng nhiều hình ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp như: mây, sóng, trăng, bầu trời, bến bờ,… đồng thời cũng thổi hồn vào đó những ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Ngoài ra, trong tác phẩm ta cũng thấy cách sử dụng biện pháp so sánh tài tình, những liên tưởng và tưởng tượng đầy thú vị.

Có thể nói, hai hình tượng mây và sóng đã chắp cánh cho những tưởng tượng tuổi thơ. Đồng thời, khi phân tích bài thơ Mây và sóng, ta cũng nhận thấy rằng, nhà thơ Tago đã khéo léo nhắc nhở chúng ta rằng hạnh phúc không phải là nơi xa xôi, không phải khó kiếm tìm mà nó ở ngay trước mặt, hiện hữu chân thực như chính tình mẫu tử sâu nặng.

9/ Những trò chơi mà em bé nghĩ ra và cách em mô tả trò chơi này thể hiện tình cảm với mẹ như thế nào? Điều đó gợi cho em suy nghĩ gì về tình cảm giữa những người thân trong gia đình?

Những trò chơi mà mẹ bé nghĩ ra:

Trò chơi thứ nhất:

Không chỉ có mây, sóng mới biết vui chơi. Mẹ tôi còn có những trò chơi còn thú vị hơn nhiều vì chơi với mây và sóng chỉ một giây lát, còn chơi với mẹ được cả đời. Con là áng mây trôi mềm mại bên mẹ, mẹ là vầng trăng tỏa sáng dịu mát phúc hậu cho cuộc đời con, bầu trời xanh kia là mái nhà ấm cúng. Mái nhà ấy được ôm ấp bao bọc sự ấm áp của tình mẹ con. Còn nơi chốn nào trên thế gian này ấm áp bằng vòng tay của mẹ? Có lời hát nào trên cuộc đời này dịu êm và tha thiết hơn lời ru của mẹ? Và, có ai khác nữa trong cuộc sống này thương yêu con, hy sinh cho con tận tụy và âm thầm vô điều kiện như mẹ?.

Trò chơi thứ hai:

Đây không còn là trò chơi bình thường nữa mà là trò chơi muôn đời bền vững, trường tồn không bao giờ bị nhàm chán. Có bến bờ thì mới có sóng, cũng như có mẹ thì mới có con. Con là sóng vỗ nhẹ vào bến bờ. Mẹ là bến bờ kì lạ, bến bờ ấy dường như vô hình nhưng bất tận cho con neo đậu sau những chặng đường mệt mỏi. Con được chở che ôm ấp, được nương tựa suốt cuộc đời. Dư âm của tiếng cười như giọt pha lê ngân mãi trong lòng chúng ta bởi niềm vui bất tận của tình mẫu tử thiêng liêng và kì diệu. Tình mẫu tử thiêng liêng như hòa vào vũ trụ, vào thiên nhiên. Nó hiện hữu ở mọi nơi, trên khắp thế gian, không ai có thể tách rời chia cắt.

Kết luận

Thông tin tài liệu soạn bài Mây và sóng đã được cập nhật chính xác tại trang web. Học sinh tham khảo và soạn bài đầy đủ để chuẩn bị tốt nhất cho buổi học sắp tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *