Soạn bài Gò Me (Hoàng Tố Nguyên) – Ngữ văn 7 Kết nối tri thức

Soạn bài Gò Me chi tiết giúp bạn nắm chắc nội dung cũng như tâm tư tình cảm của tác giả với quê hương của mình. Được biết, sáng tác từ Hoàng Tố Nguyên là tác phẩm văn học viết về miền đất Nam Bộ nghĩa tình.

Trước khi đọc

Soạn bài Gò Me Trước khi đọc giúp bạn phần nào hiểu về nội dung của tác phẩm tại nhà. Nam Bộ là nơi sản sinh ra nhiều câu hò ngọt ngào, chứa đựng tình cảm dung dị chân thành của người nông dân chất phác.

1/ Em biết những bài thơ nào viết về miền đất Nam Bộ? Hãy đọc cho cả lớp nghe một đoạn thơ mà em yêu thích.

Một số bài thơ về Nam Bộ: Cửu Long Giang ta ơi (Nguyên Hồng), Gửi Nam Bộ mến yêu (Xuân Diệu), Về miền Tây (Đặng Minh Mai), Thơ lục bát về miền Tây (Hoàng Thanh Tâm)

Đoạn thơ mà em thích:

… Ta đi … bản đồ không còn nhìn nữa …

Sáng trời thu lại còn bướm với trời xanh

Trúc đào tươi chim khuyên rỉa cánh sương đọng long lanh

Ta cởi áo lội dòng sông ta hát

Mê Kông chảy Mê Kông cũng hát

Rừng núi lùi xa

Đất phẳng thở chan hòa

Sóng tỏa chân trời buồm trắng

Nam Bộ

Nam Bộ

Chín nhánh Mê Kông phù sa nổi váng

Ruộng bãi Mê Kông tôm cá ngập thuyền

Sầu riêng thơm dậy đất Thủ Biên

Suối mát dội trong lòng dừa trĩu quả.

(Trích Cửu Long Giang ta ơi – Nguyên Hồng)

Bạn có thể tham khảo thêm một số bài thơ hay khác về vùng đất Nam Bộ:

Về miền Tây (Đặng Minh Mai)

Ôi! Tổ quốc chiều dài chữ S

Từ Hà Giang, Sa Đéc, Cà Mau

Non sông gấm vóc một màu

Tấm lòng người Việt dễ đâu kiếm tìm?

Miền Tây đó còn in trong sử

Bao anh hùng lữ thứ xa quê

Ngược xuôi sông nước thuyền về

Đi làm cách mạng xây quê hương giàu

Nay trở lại ngờ đâu thay đổi

Bến Ninh Kiều chợ nổi đông vui

Tây Đô nét đẹp rạng ngời

Cần Thơ thiếu nữ nói cười thân thương

Nào cây trái miệt vườn xanh biếc

Đon đả cười tha thiết mời nhau

Cùng ăn miếng trái riêng sầu

Ngọt ngào hương ngát đượm câu nghĩa tình

Miệng duyên dáng thật xinh em hát

Vọng cổ buồn man mác Miền Tây

Đàn ca tài tử vơi đầy

Người về hãy nhớ tới đây quê mình.

Thơ lục bát về miền Tây (Hoàng Thanh Tâm)

Tôi về đến bến Ninh Kiều

Cần Thơ kỷ niệm dấu yêu dạt dào

Còi phà dĩ vãng còn đâu

Cầu cao ngất ngưỡng tự hào miền Tây

Mỹ Thuận nối tiếp đường dài

Hàm Luông Rạch Miễu mai này Cổ Chiên

Trà Vinh cuối đất cùng miền

An Giang Vàm Cống Long Xuyên thật gần

Phù sa sông nước triều dâng

Cao Lãnh Đồng Tháp thơm lừng hương sen

Mùa lũ cá lội đua chen

Cá linh điên điển nhớ quên khó về

Hương đồng cỏ nội mẩn mê

Trăng lên cỏ lúa duyên quê câu hò

Khói đồng rơm rạ tờ mờ

Xàng xê vọng cổ thẩn thờ đồng xanh

soạn bài gò me
Vùng đất Nam Bộ hữu tình xuất hiện nhiều trong thơ ca

2/ Chia sẻ những điều em biết về vẻ đẹp của miền đất này.

Nam Bộ là vùng đất cuối cùng của phía Nam đất nước. Nam Bộ nằm rất gần biển đông, là một vùng châu thổ màu mỡ với nhiều cửa sông đổ ra biển. Chính điều này đã tạo nên một Nam Bộ trù phú, giàu có về văn hóa và nông sản. Nam Bộ đã tạo nên cho mình những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng phong phú, độc đáo và một bản sắc rất riêng so với các vùng miền khác.

Người dân Nam Bộ năng động, sáng tạo trong công việc và học tập; hào phóng hiếu khách, trọng nhân nghĩa và có lòng yêu nước nồng nàn. Điều đó được thể hiện rõ nét trong cung cách sinh hoạt hằng ngày cũng như trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Khi nói về vùng đất Nam Bộ, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ, chắc hẳn mỗi chúng ta không thể quên được những nét văn hóa đặc sắc trong cuộc sống người dân nơi đây.

Ở Việt Nam, mỗi vùng miền đều có những trang phục riêng mang đậm nét đặc trưng ở địa phương và miền Tây cũng không ngoại lệ. Miền Tây Nam Bộ nổi tiếng với hình ảnh người dân bình dị, hiếu khách và gắn liền với nét mộc mạc đó là trang phục áo bà ba. Áo bà ba là loại áo cánh ngắn, may dạng cổ tim hoặc cổ tròn. Thân áo là sự biến đổi của áo tứ thân miền Bắc nhưng độ dài của áo thì ngắn hơn, chỉ đến hông. Áo may bằng chất liệu thoáng mát và vừa vặn với cơ thể, khiến cho người nhìn cảm thấy mềm mại và thướt tha, và điểm đặc biệt là khi mặc cảm thấy rất thoải mái. Phía trước áo được thợ may xẻ ra hai tà và may thêm hai túi nhỏ, đối với nữ, hai túi to phía trước đối với nam giới. Áo bà ba thường đi kèm với chiếc quần đen dài đến cổ chân. Ngoài ra, để thêm phần thướt tha và đúng với phong cách của người miền Tây thì khi mặc bộ bà ba này, người dân nơi đây thường dùng kèm với khăn rằn trắng đen và nón lá.

Miền Tây là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn hóa, trong đó đặc trưng nhất là nền văn hóa của ba dân tộc Kinh – Chăm – Khmer. Minh chứng của sự giao lưu văn hóa này được thể hiện rõ ở những đền, miếu, ngôi chùa lâu đời như chùa Dơi ở Sóc Trăng, chùa Vàm Ray, chùa Âng ở Trà Vinh. Đến với miền Tây, du khách không chỉ giao lưu với những con người dễ mến mà còn được trải nghiệm ba nền văn hóa với những phong tục tập quán, món ăn,… khác nhau. Chính sự giao lưu văn hóa này làm cho tình anh em giữa các dân tộc được thắt chặt hơn, giúp đỡ nhau nhiều hơn trong cuộc sống. Nơi đây là nơi lưu giữ những dấu tích lịch sử của nước Phù Nam xưa.

Nếu ẩm thực miền Bắc có vị đậm đà, miền Trung có vị cay kích thích vị giác thì ẩm thực miền Tây lại mang đến cho người thưởng thức vị ngọt dịu nhẹ của vùng sông nước. Thật vậy, con người miền Tây thích ngọt, hầu như các món ăn của họ đều mang vị ngọt không lẫn đâu được, nên khi ăn sẽ không bị ngán. Miền Tây là vùng đất phù sa màu mỡ được thiên nhiên ưu đãi, có nguồn thủy hải sản đa dạng cùng với các loại rau củ quả tươi tốt. Đặc biệt, nhiều loại trái cây đã trở thành đặc sản mà du khách có thể thưởng thức. Chính vì vậy, sự gần gũi giữa con người và thiên nhiên nơi đây nên các món ăn cũng rất đa dạng về nguyên vật liệu, chủ yếu có nguồn gốc từ tự nhiên, tinh khiết và sạch sẽ. Bên cạnh đó, bạn sẽ được thưởng thức những loại cá đặc sản như cá chạch, cá lóc,… được chế biến thành các món lẩu, món kho với một số loại rau sẽ giúp tăng thêm hương vị cho món ăn. Ngoài ra, miền Tây cũng là cái nôi của những món chè thơm ngon nổi tiếng như chè bà ba, chè bưởi,…

Vùng đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng là vùng có hệ thống sông ngòi và kênh rạch chằng chịt. Cuộc sống của người dân nơi đây từ xa xưa đã gắn liền với sông nước. Chính vì vậy mà phương tiện di chuyển chính của người dân là xuồng, ghe, tàu. Người dân tận dụng phương tiện đi lại này và hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt làm nơi mưu sinh, giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa. Hình thức buôn bán này đến giờ vẫn giữ và trở thành “đặc sản” của văn hóa miền Tây với tên gọi “chợ nổi”. Đã đến miền Tây, bạn nên ghé thăm chợ nổi vào sáng sớm. Khoảng 4 – 5 giờ sáng là lúc bà con nơi đây họp chợ đông nhất. Khung cảnh lúc này tấp nập, các bạn sẽ ngửi được mùi thơm của nông sản thoang thoảng hòa vào không khí trong lành buổi sáng, cùng với những câu hò, điệu dân ca, lời rao của người dân tạo nên một không khí mà các bạn không thể nào quên được khi ra về.

Trong khi đọc

Soạn văn 7 Gò Me chi tiết theo chia sẻ từ Thepoetmagazine mang đến cho bạn góc nhìn rõ nét hơn về nơi tận cùng của tổ quốc. Vùng đất Nam Bộ hiện lên vô cùng chân thật và bình dị trong suy nghĩ của tác giả và cả người đọc.

1/ Hình dung ánh sáng, âm thanh và không gian miền quê Gò Me.

Gò Me hiện lên với ánh sáng, âm thanh và không gian thoáng đãng, đặc sắc:

  • Ánh sáng hiện lên phong phú với nhiều màu sắc, cung bậc của những quãng thời gian khác nhau trong ngày; ánh sáng trầm tĩnh của đốm hải đăng tắt – lóe; ánh sáng chói rực của mặt trời; ánh sáng lung linh của vầng trăng khuya.
  • Âm thanh vui tai của tiếng nhạc ngựa leng keng, lao xao của vườn mía, nhẹ nhàng của những mái lá.
  • Không gian mênh mông, thoáng đãng của miền quê với đồng ruộng, ao làng, biển cả.

=> Ánh sáng phong phú, không gian mênh mông và âm thanh rộn ràng như thiết tha mời gọi, níu giữ con người ở lại với cuộc sống, với con người Gò Me.

gò me
Gò Me trong trí nhớ của tác giả vô cùng tươi đẹp và đặc sắc

2/ Những chi tiết miêu tả các cô gái Gò Me.

Soạn văn lớp 7 Các cô gái Gò Me được miêu tả với những chi tiết:

  • Má núng đồng tiền duyên dáng
  • Say sưa, cần cù trong công việc.
  • Véo von điệu hò cổ truyền Nam Bộ.
  • Tâm hồn mộng mơ theo bướm, theo chim.

=> Những chi tiết miêu tả đã thể hiện sự hồn nhiên, duyên dáng, hăng say trong công việc của những cô gái Gò Me. Điều này tạo nên xúc cảm đặc biệt về sự xinh đẹp, chân thật của phụ nữ miền Nam cho người đọc khi soạn bài Gò Me lớp 7.

3/ Hình dung những chi tiết miêu tả thiên nhiên Gò Me.

Thiên nhiên của Gò Me hiện lên với sự trong mát, bình yên, giản dị của miền quê thân thiện:

  • Nằm dưới hàng me, nghe tre thổi sáo.
  • Bướm chim bay lượn rập rờn.
  • Chim cu gáy giữa trưa hanh nồng.
  • Gió dìu xao xuyến bờ tre.
  • Thiên nhiên Gò Me hiện lên như một bức tranh phong cảnh tươi đẹp với đầy đủ màu sắc trong mát của cây cối, âm thanh sinh động của tiếng chim và những hình ảnh rập rờn của bươm bướm hay những chiếc lá đong đưa trong chiều hè.

Trả lời câu hỏi

Soạn bài Gò Me lớp 7 Kết nối tri thức mang đến cho bạn cảm xúc chan chứa bởi tác phẩm truyền tải nỗi nhớ của người con xa quê. Hình ảnh vùng quê, con người nơi đây mãi mãi khắc sâu trong lòng người đọc Việt.

1/ Qua nỗi nhớ của nhà thơ – một người con phải sống xa quê – cảnh sắc Gò Me hiện lên như thế nào?

Qua nỗi nhớ của nhà thơ – một người con phải sống xa quê – cảnh sắc Gò Me hiện lên vừa bình dị, thân thuộc, vừa sinh động lung linh:

  • Không gian: được khắc họa với những cảnh mênh mông, rộng lớn (bể, triền đê, ruộng lúa, ao làng).
  • Âm thanh: sống động, giàu nhạc điệu (âm thanh leng keng của tiếng nhạc ngựa, róc rách của ao làng, lao xao của vườn mía, nhẹ nhàng của mái lá,…)
  • Ánh sáng: hiện lên phong phú với nhiều màu sắc, cung bậc của những quãng thời gian khác nhau trong ngày; ánh sáng trầm tĩnh của đốm hải đăng tắt – lóe, ánh sáng chói rực của mặt trời, ánh sáng lung linh của vâng trăng khuya.
  • Cảnh vật Gò Me: Hiện lên với sự trong mát, bình yên, giản dị của miền quê thân thiện:
  • Nằm dưới hàng me, nghe tre thổi sáo.
  • Bướm chim bay lượn rập rờn.
  • Chim cu gáy giữa trưa hanh nồng.
  • Gió dìu xao xuyến bờ tre.

=> Thiên nhiên Gò Me hiện lên như một bức tranh phong cảnh tươi đẹp với đầy đủ màu sắc trong mát của cây cối, âm thanh sinh động của tiếng chim và những hình ảnh rập rờn của bươm bướm và những chiếc lá đong đưa trong chiều hè.

2/ Hình ảnh người dân Gò Me được tác giả khắc họa qua những chi tiết nào? Những chi tiết đó gợi cho em cảm nhận gì về con người nơi đây?

Các cô gái Gò Me được miêu tả với những chi tiết:

  • Má núng đồng tiền duyên dáng.
  • Say sưa, cần cù trong công việc.
  • Véo von điệu hò cổ truyền Nam Bộ.
  • Tâm hồn mộng mơ theo bướm, theo chim.

=> Những chi tiết miêu tả đã thể hiện sự hồn nhiên, duyên dáng, hăng say trong công việc của những cô gái Gò Me. Những chi tiết này cho em cảm nhận con người nơi đây là những người duyên dáng, chất phác, thật thà, hăng say lao động và có tâm hồn phong phú, dễ thương, đáng yêu.

3/ Nhớ đến Gò Me, tác giả nhớ da diết điệu hò quê hương. Việc nhà thơ hai lần dẫn lại câu hò gợi cho em suy nghĩ gì?

Câu hò được dẫn hai lần trong bài:

Hò … ơ… Trai Biên Hòa lụy gái Gò Me

Không vì sắc lịch, mà chỉ vì mê giọng hò

Việc nhà thơ dẫn lại câu hò trong tác phẩm Ngữ văn 7 Gò Me gợi cho em suy nghĩ đây là vùng đất giàu truyền thống văn hóa dân gian, người dân nơi đây có tâm hồn phong phú, hiền hòa, vừa hăng say lao động, vừa sống nghĩa tình lại yêu nghệ thuật, có tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống.

soạn văn 7 gò me
Câu hò ngọt ngào được dẫn vào trong tác phẩm vô cùng khéo léo

4/ Bài thơ Gò Me có nhiều hình ảnh sinh động, giàu sức gợi. Em thích những hình ảnh nào? Vì sao?

Trong bài thơ Gò Me có nhiều hình ảnh sinh động, giàu sức gợi, nhưng hình ảnh để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn em mà em rất yêu thích là:

  • Thiên nhiên: con đê cát đỏ, ao làng trăng tắm, lúa chói rực, vườn mía lao xao.
  • Con người: cắt cỏ, chăn bò, gối đầu lên áo.

Những hình ảnh này khiến em thấy cuộc sống nơi mảnh đất Gò Me gần gũi, thân thương, đáng yêu với con người chất phác, cần cù và thiên nhiên thì hiền hào, luôn dang rộng vòng tay để ôm ấp, yêu thương, tạo nên những kỉ niệm, giấc mơ cho con người. Những hình ảnh này cũng khơi gợi cho bạn đọc tình cảm yêu mến vùng đất Nam Bộ và hiểu sâu sắc hơn về vẻ đẹp tâm hồn con người, thiên nhiên và cuộc sống con người nơi đây.

5/ Nêu cảm nhận của em về tình cảm của tác giả đối với quê hương, đất nước được thể hiện trong bài thơ.

Văn bản Gò Me đã thể hiện tình cảm yêu mến, gắn bó, tự hào của tác giả dành cho quê hương Gò Me yêu quý của mình.

Tình cảm yêu mến, gắn bó tự hào được thể hiện qua việc khắc họa những hình ảnh đẹp đẽ của thiên nhiên và con người Gò Me. Cách mở đầu bài thơ với cụm từ “Quê tôi đó” như một sự khẳng định, niềm tự hào của người con về quê mẹ. Tiếp theo đó là hàng loạt những khung cảnh hiền hòa, đẹp đẽ hiện lên dưới đôi mắt trìu mến của tác giả. Nổi bật trong khung cảnh ấy là hình ảnh con người với điệu hò ngọt ngào, sự cần cù trong lao động, giản dị trong lối sống. Tất cả đã tạo nên một bức tranh quê tuyệt đẹp được vẽ bởi người con luôn yêu thương, tự hào về xứ sở mình.

Phải là người gắn bó gần gũi, hiểu sâu sắc về thiên nhiên, cuộc sống con người nơi đây thì nhà thơ Hoàng Tố Nguyên mới viết lên những dòng thơ chân thực, sinh động về quê hương Nam bộ nói chung và Gò Me nói riêng. Tấm lòng của nhà thơ đối với quê hương rất đáng trân trọng.

6/ Nhà thơ lấy tên một vùng đất làm nhan đề bài thơ. Hãy kể tên một số tác phẩm mà em đã học, đã đọc cũng có cách đặt nhan đề tương tự.

  • Việt Bắc – Tố Hữu
  • Đất Cà Mau – Mai Văn Tạo
  • Vàm Cỏ Đông – Hoài Vũ
  • Cô Tô – Nguyễn Tuân
  • Đất rừng phương Nam – Đoàn Giỏi
  • Ca huế trên sông Hương – Hà Ánh Minh.

Viết kết nối với đọc

Viết đoạn văn ngắn (khoảng 5 – 7 câu) nêu cảm nhận của em về đoạn thơ từ Ôi, thuở ấu thơ đến Lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ.

Xin cho tôi một vé trở về tuổi thơ để được đắm mình trong khúc ầu ơ mẹ ru hời bên cánh võng. Có lẽ đó là tấm vé mà bất cứ ai cũng ao ước được sở hữu cho mình dù chỉ một lần. Và Hoàng Tố Nguyên đã đưa người đọc trở về với Gò Me đánh thức những cảm xúc một thời đã ngủ quên thành kí ức: “Ôi, thuở ấu thơ! Cắt cỏ, chăn bò! Gối đầu lên áo! Nằm dưới hàng me, nghe tre thổi sáo! Lòng nghe theo bướm, theo chim! Mẹ non cong vắt lưỡi liềm! Lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ.” Lời thơ như ngân lên thành lời ca đầy xúc động – bài ca ca ngợi những kỉ niệm đẹp đẽ trong tuổi thơ mỗi người. Tuổi thơ của tác giả là những ngày tháng thật êm đềm, bình dị mà chan chứa yêu thương, ấm áp, nghĩa tình; đó là tuổi thơ trong mắt, thấm đẫm kỉ niệm của trẻ em nông thôn, cùng cắt cỏ, chăn bò, hòa vào thiên nhiên, lắng nghe giai điệu dịu mát từ thiên nhiên vọng về. Đoạn thơ giản dị về ý tứ nhưng lại mênh mông nỗi niềm yêu mến, tự hào về miền quê thân yêu. Đọc lại đoạn thơ, tâm hồn chúng ta lại trào dâng niềm tự hào, mến yêu về quê hương, đất nước và trân quý hơn những kỉ niệm ngọt ngào, dấu yêu của tuổi thơ.

Kết luận

Soạn bài Gò Me (Hoàng Tố Nguyên) giúp học sinh biết thêm về vùng đất tận cùng tổ quốc, bởi tác phẩm như tái hiện lại Nam Bộ chan hoà, giàu truyền thống. Đi theo nỗi nhớ về quê hương của tác giả, bạn sẽ khám phá được rất nhiều giá trị lịch sử, văn hoá tuyệt vời nơi đây.

XEM THÊM:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *