Soạn bài Bảo kính cảnh giới – Chân trời sáng tạo & Kết nối tri thức 

Soạn bài Bảo kính cảnh giới chương trình Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức Văn 10. Học sinh trả lời các câu hỏi theo từng giáo trình để hiểu rõ ý nghĩa tác phẩm, hiểu được giáo lý sâu sắc, sự trăn trở và cả con người qua từng câu thơ.

Dù theo giáo trình nào, vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên và cách cảm nhận, nỗi niềm trăn trở của tác giả cũng được thể hiện rất rõ, ấn tượng.

Table of Contents

Soạn văn Bảo kính cảnh giới – Chân trời sáng tạo

Bảo kính cảnh giới được biết đến là bức tranh của cuộc sống bình dị và gắn kết cùng thiên nhiên. Tìm hiểu tác phẩm mới có thể thấy được vẻ đẹp về tâm hồn, sự lãng mạn trong thi nhân.

soạn bảo kính cảnh giới
Soạn văn Bảo kính cảnh giới theo chương trình Chân trời sáng tạo

1/ Nhận xét về cách quan sát và miêu tả bức tranh ngày hè của Nguyễn Trãi (chú ý cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, huy động các giác quan,…)

Cách quan sát và miêu tả bức tranh cuộc sống bình dị, gắn kết thiên nhiên là đi từ cảnh, đến cách sinh hoạt. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng những phương pháp tu từ thể hiện sự quan sát kỹ cảnh vật và sự việc:

  • Dùng từ đùn đùn: Dồn dập tuôn ra; Giương là giương rộng ra; Phun, tiễn đều gợi sức sống căng đầy, chất chứa từ bên trong tạo vật, tạo ra hình ảnh mới lạ và ấn tượng.
  • Cảm nhận bức tranh của ngày hè bằng thị giác kết hợp với thính giác.

2/ Chỉ ra những nét đặc sắc của bài thơ qua một số yếu tố hình thức nghệ thuật như: cách gieo vần, số tiếng, cách ngắt nhịp trong các dòng thơ (chú ý dòng thơ đầu, dòng thơ cuối) và tác dụng của chúng trong việc thể hiện cảm xúc của chủ thể trữ tình.

Bảo kính cảnh giới được viết theo thể thất ngôn kết hợp lục ngôn. Dấu hiệu được thể hiện qua số câu, cách gieo vần, đối ngẫu ở 4 câu giữa tương tự thể thất ngôn bát cú. Hai điểm khác biệt cần chú ý gồm:

  • Câu 1 + câu 8: 6 chữ làm câu thơ trở nên độc lập và không tuân thủ Đường luật. Thông thường, câu 1 phải gắn câu 2, câu 7 gắn với câu 8.
  • Câu 3 + câu 4: Ngắt nhịp 3/4. Cách ngắt nhịp của các câu thơ cũng có sự khác biệt về tiết tấu hơn so với thể Đường Luật:
Câu thơ Cách ngắt nhịp
1 1/2/3
2 4/3 hoặc 1/3/3
3 3/4
4 3/4
5 4/3
6 4/3
7 4/3
8 3/3

3/ Chỉ ra mạch cảm xúc của tác giả trong bài thơ. Từ đó nhận xét vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi.

Mạch cảm xúc của tác giả trong bài thơ bắt đầu từ thư thái cho đến phấn chấn. Cảnh vật đã tạo nên suy ngẫm của tác giả trong từng câu thơ:

Câu thơ Cảm xúc
1 Sự thư thái và thanh thản trước thiên nhiên.
2 – 6 Sự phấn chấn trước cảnh ngày hè rộn ràng.
7,8 Tha thiết với đời.

Qua mạch cảm xúc từ câu 1 đến hết bài cho thấy, Nguyễn Trãi là người rất yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp và yêu nước. Bài thơ cho thấy cảnh sắc và nghệ thuật vô cùng đặc sắc.

Là một người vừa có tài, vừa có tâm, tác giả thể hiện rõ sự lo lắng cho an nguy dân tộc, quốc gia. Bản thân ông luôn mong muốn có thể cố gắng hết mình, góp sức giữ yên bình cho đất nước. Mong muốn, nhiệt huyết của ông là hiến sức mình để nhân dân hạnh phúc, ấm no, đất nước giàu mạnh.

Soạn bài Bảo kính cảnh giới  – Kết nối tri thức

Bảo kính cảnh giới thể hiện cách quan sát và miêu tả bức tranh ngày hè của tác giả theo cách rất độc đáo. Ông sử dụng cả những từ ngữ, hình ảnh, kết hợp cả giác quan để mang đến cảm nhận chân thực nhất. Khám phá giáo trình Kết nối tri thức, học sinh sẽ hiểu hơn bài thơ sau khi giải đáp các câu hỏi ban biên tập đưa ra.

soạn bài bảo kính cảnh giới
Soạn bài Bảo kính cảnh giới theo chương trình kết nối tri thức 10

1/ Hãy kể tên một vài bài thơ viết theo thể Đường luật mà bạn đã học hoặc đọc được.

  • Qua đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan)
  • Thương vợ (Trần Tế Xương)
  • Độc Tiểu Thanh ký (Nguyễn Du)
  • Hoàng Hạc lâu (Thôi Hiệu – Trung Quốc)
  • Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng (Lý Bạch – Trung Quốc)

2/ Chỉ ra một số đặc điểm hình thức giúp bạn nhận diện được thể loại của các bài thơ Đường luật.

Đặc điểm:

  • Thất ngôn tứ tuyệt: Bốn câu thơ, mỗi câu bảy chữ, trong đó các câu 1, 2, 4 hoặc chỉ các câu 2, 4 hiệp vần với nhau ở chữ cuối.
  • Thất ngôn bát cú: Tám câu, mỗi câu bảy chữ. Nếu tiếng thứ hai của câu một là vần bằng thì gọi là thể bằng, là vần trắc thì gọi là thể trắc. Câu 1 và 2 là phá đề và thừa đề. Câu 3 và 4 là Thực hay Trạng, dùng để giải thích hoặc đưa thêm chi tiết bổ nghĩa cho đề bài rõ ràng. Câu 5 và 6 là Luận dùng để bàn luận cho rộng nghĩa hay cũng có thể dùng như câu 3 và 4. Câu 7 và 8 là câu Kết, kết luận ý thơ.

Điểm khó nhất trong thơ Đường luật là câu số 3 và câu số 4, bởi vì hai câu thơ này được gọi là câu thực và câu 5, 6 là câu Luận. Hai cặp câu này luôn đối nhau, danh từ đối danh từ, động từ đối động từ, tính từ đối tính từ. Quan trọng hơn cả là hai câu 5, 6 phải đối ý với hai câu 3, 4 hoặc bổ sung ý cho câu 3, 4.

Thơ thất ngôn tứ tuyệt có 4 câu, mỗi câu có 7 chữ. Nó là 1 nửa của bài thất ngôn bát cú, niêm luật cũng chặt chẽ.

3/ Chú ý các động từ, tính từ, các từ láy và câu thơ sáu tiếng.

  • Các động từ: hóng mát, đùn đùn, phun, tịn, đàn.
  • Các tính từ: ngày trường, rợp trương, thức đỏ.
  • Các từ láy: đùn đùn, lao xao, dắng dỏi.
  • Câu thơ 6 tiếng: “Rồi hóng mát thuở ngày trường”, “Dân giàu đủ khắp đòi phương”.

4/ Hình dung về bức tranh cuộc sống.

Bài thơ Bảo kính cảnh giới số 43 viết về cuộc sống bình dị nơi thôn dã của Nguyễn Trãi, cũng thể hiện được tác phong ung dung, bình tĩnh, tự tại của nhà thơ trước nhịp sống vận động của thiên nhiên, đất trời. Bức tranh được tác giả mô tả với các gam màu:

  • Màu xanh của cây hòe
  • Màu đỏ của hoa lựu
  • Màu hồng của hoa sen
  • Màu vàng lung linh của ánh nắng chiều.

Tất cả hòa quyện lại với nhau, tạo nên cảnh vật lung linh đặc trưng của mùa hè.

5/ Xác định thể thơ và nêu bố cục của bài thơ.

Thể loại: Thất ngôn xen câu 6 chữ (đây là thể loại biểu hiện cho sự sáng tạo mới mẻ của Nguyễn Trãi).

Bố cục: Chia làm 2 phần:

  • 4 câu đầu: Vẻ đẹp cảnh ngày hè miền thôn dã.
  • 4 câu cuối: Tâm trạng nhà thơ.

6/ Câu thơ mở đầu cho biết điều gì về cuộc sống và tâm trạng của nhân vật trữ tình?

Sự ung dung nhàn hạ được thể hiện trong câu thơ đầu tiên:

“Rồi hóng mát thuở ngày trường”

Rồi ở đây khiến cho người ta nghĩ rằng nó là từ để chỉ liên kết mối liên hệ ngay sau đó nhưng thật ra thì không phải. “Rồi” ở đây không giống như chúng ta nghĩ, nó không phải là hình rồi sau đó diễn ra cái gì, làm xong rồi hay thế nào mà nó là một từ để chỉ trạng thái. Nói cách khác thì ở đây chính là tính từ chỉ trạng thái của con người. “Rồi” trái ngược với vất vả và có việc làm. Thật vậy ở đây nhà thơ đã cố tình đẩy nó lên đầu câu nhằm thể hiện sự an nhàn của mình.

7/ Phân tích một số từ ngữ, hình ảnh được tác giả sử dụng để miêu tả cảnh sắc mùa hè. Từ đó, chỉ ra những nét đặc sắc trong cách cảm nhận thiên nhiên và bút pháp tả cảnh của tác giả.

Toàn bộ bài thơ viết về mùa hè nơi thôn da. Thế nên ngôn ngữ cũng đặc thù theo mùa.

Những hình ảnh đầy màu sắc gắn liền với những ngày hè thật sự đẹp và rực rỡ như chính những gì chúng ta liên tưởng về nó:

“Hòe lục đùn đùn tán rợp trương.

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tịn mùi hương”.

Đó chính là những câu thơ đẹp nhất trong bài, chỉ với ba câu thơ ấy mà toàn bộ những gì là hương sắc của mùa hè được hiện lên thật sinh động và hấp dẫn. Nó như đốt cháy con mắt người xem bởi những gam màu nóng đặc trưng của mùa hè. Đó chính là màu đỏ của hoa hòe, màu lựu đỏ, màu hồng của cánh sen. Những gam màu ấy kết hợp với những động từ mạnh như “đùn đùn”, “phun”, “tiễn” cho thấy một bức tranh quê hương với màu sắc và hương vị đặc trưng. Đồng thời qua đó ta thấy được sự sinh sôi phát triển mạnh mẽ trong mùa hè. Nếu như mùa xuân sinh sôi là điều kiện cho mọi vật bắt đầu sự sống thì mùa hè là mùa của sinh trưởng và phát triển.

Cách sử dụng động từ đã mang đến cho chúng ta cảm nhận về sự phát triển trù phú, tươi tốt của cảnh sắc thiên nhiên khi hè về. Một bức họa đồng quê với những gì của hương đồng gió nội mang đến cho chúng ta những cảm giác thật yên bình, không những thế ta còn cảm nhận được cái hương vị của mùa hè qua động từ “tiễn”. Cách sử dụng động từ “tiễn” rất tài tình. Tại sao nhà thơ không nói là đưa hương hay bay hương mà lại là tiễn. Tiễn ở đây nhằm nói đến sự phát hương của bông hoa sen ấy. Nó tỏa ngát như hoa ban phát mùi hương đến với không gian quê hương. Màu của hoa lựu làm cho chúng ta nhớ đến một câu thơ cũng diễn tả màu đỏ rực ấy rất hay và giàu sức gợi tả là: “Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông” của Nguyễn Du. Tóm lại, Nguyễn Trãi không sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình như những nhà thơ trung đại khác, ông đã khắc họa thiên nhiên một cách chân thực và sinh động qua từng vần thơ với phong cách rất riêng.

8/ Cuộc sống của con người được nhà thơ tái hiện qua những âm thanh, hình ảnh nào? Phân tích mối liên hệ giữa khung cảnh ấy với ước nguyện của nhân vật trữ tình trong hai câu thơ cuối.

Cuộc sống con người được nhà thơ tái hiện qua những hình ảnh, âm thanh:

  • Đó là hình ảnh một làng chợ cá với những âm thanh “lao xao” của những con người lao động.
  • Bức tranh cuộc sống con người còn được tái hiện bằng hình ảnh “lầu tịch dương” với âm thanh tiếng ve kêu rắn rỏi.

* Mối liên hệ giữa khung cảnh và ước nguyện của nhân vật trữ tình:

  • Khung cảnh cuộc sống con người được miêu tả là một cuộc sống ấm no, vui vẻ và hạnh phúc.
  • Ước nguyện của nhân vật trữ tình đó là ước mình có được cây đàn của vua Ngu Thuấn ngày trước để ca ngợi cuộc sống hôm nay. Khát vọng đó không chỉ giới hạn ở một miền quê, vùng quê, mà hướng tới mọi con người, mọi miền quê: Mong ước sao cho muôn dân khắp bốn phương trời luôn được sống no đủ, thanh bình.

9/ Nhận xét về vị trí và giá trị của các câu lục ngôn trong bài thơ:

Vị trí của các câu lục ngôn: Câu đầu tiên và câu cuối bài thơ.

Giá trị của các câu lục ngôn: Gây ấn tượng mới lạ với người đọc về hình thức và nội dung, từ đó thể hiện tư tưởng của tác giả. Đồng thời, nó còn thể hiện sự sáng tạo độc đáo của nhà thơ.

Những câu 6 mang ý đồ nghệ thuật đặc sắc, nhằm chuyển tải thực tại và sự mong muốn của nhà thơ:

  • Câu lục ngôn đầu: bộc lộ thực tại an nhàn của tác giả.
  • Câu lục ngôn cuối: tác giả mong muốn về đời sống sung túc cho nhân dân.

10/ Đọc bài thơ, bạn cảm nhận được điều gì về vẻ đẹp tâm hồn, tư tưởng của tác giả?

Tác giả đón nhận cảnh ngày hè trong tư thế ung dung, thoải mái khi ở ẩn. Bức tranh thiên nhiên được nhà thơ khắc họa tươi đẹp và màu sắc dù cảnh được “vẽ” lại đã là khoảnh khắc cuối ngày. Cạnh đó, nhà thơ luôn đau đáu suy nghĩ cho nhân dân, đất nước, quan tâm đến đời sống của nhân dân. Ông  muốn mình có cây đàn của vua Ngu Thuấn để mang đến cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân và đất nước.

11/ Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích yếu tố “phá cách” trong Bảo kính cảnh giới.

Bài làm số 1:

Nguyễn Trãi khác với những nhà thơ trung đại gắn bó với những thể thơ truyền thống, dân tộc quen thuộc thì trong tác phẩm Bảo kính cảnh giới của mình, ông thể hiện sự phá cách đầy sáng tạo khi đã Việt hóa thơ Đường luật chặt chẽ, khô khan, “khó tính” thành thể thơ mới lạ. Đó là sự xen kẽ câu 6 chữ vào câu thất ngôn đầy bất ngờ, giàu tính sáng tạo và đậm chất nghệ thuật. Sự táo bạo ấy mang lại cho người đọc cảm giác mới mẻ thú vị. Cùng với sự phá cách xen kẽ câu thơ 6 chữ vào câu thất ngôn, Nguyễn Trãi còn bộc lộ vốn từ vựng thuần Việt giản dị, gần gũi mà ngọt ngào, sâu sắc, giàu tính tạo hình và thanh điệu du dương. Chính điều đó đã mang đến cho nền thơ ca dân tộc trở nên đa dạng, phong phú, thú vị.

Tóm lại, chỉ bằng 2 âm thanh “lao xao” của làng ngư phủ và “dắng dỏi” của tiếng ve ngày hè cũng đủ thấy tài năng dùng từ của Nguyễn Trãi. Đó là những âm thanh đời thường giản dị, không có gì là đặc biệt nhưng cũng chính là hai âm thanh ấy lại là biểu hiện cho âm thanh của cuộc sống con người. Nơi thôn quê thanh bình, mùa hè đến không hề ngột ngạt khó chịu như chốn quan trường, mùa hè ở đây rộn ràng và vui vẻ với những thành quả lao động sau một ngày vất vả ngược xuôi. Tức cảnh sinh tình mà nhà thơ mong muốn nhân dân ở dâu cũng được sống no ấm như nhân dân nơi này. Dù cuộc sống không quá giàu có về mặt tiền bạc nhưng lúc nào họ cũng giàu có về tinh thần và đủ ăn đủ mặc. Nhà thơ mong muốn làm một việc tốt như vua Ngu Thuấn đã giúp nhân dân của mình.

Bài làm số 2:

Điểm đáng chú ý ở bài thơ trước hết thể hiện sự sáng tạo của tác giả trong việc sử dụng và cách tân thể thơ thất ngôn bát cú của Trung Quốc. Việc giữ lại số lượng câu, chữ của thể thơ này nhưng xen câu thơ 6 chữ ở câu 1 và câu 8 thể hiện sự sáng tạo và ý thức trân trọng đối với ngôn ngữ và văn học dân ộc. Sự phá cách cộng với ngôn ngữ tiếng Việt được sử dụng trong tập thể, bài thơ suy cho cùng đó cũng chính là tấm lòng với đất nước, quê hương. Rõ ràng, điều đó với Nguyễn Trãi không chỉ thể hiện bằng những hành động thiết thực nhằm bảo vệ tổ quốc qua thời kì Lam Sơn khởi nghĩa hào hùng. Ông ý thức điều này cả khi sáng tác thơ, sáng tạo văn chương.

Chính vì vậy, tiếp cận với “Cảnh ngày hè” nói riêng và Quốc âm thi tập nói chung, điều trên đây chính là một trong những điểm sáng đầu tiên mà người đọc cần phải hướng đến trước khi đi vào hệ thống hình ảnh thiên nhiên, vẽ lên một bức tranh mùa hè hết sức sắc sảo của bài thơ qua sự sáng tạo đầy tính nghệ thuật của Nguyễn Trãi.

Kết luận

Soạn bài Bảo kính cảnh giới theo chia sẻ tại www.thepoetmagazine.org mới thấy được khung cảnh ngày hè, với tâm hồn Nguyễn Trãi đầy tình yêu thiên nhiên. Trong tác phẩm thể hiện rõ lòng yêu nhân dân, yêu đất nước.

XEM THÊM:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *